Việt Nam đang dần trở thành điểm nóng sản xuất hàng giả

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Hiện đang có làn sóng dịch chuyển địa điểm sản xuất hàng giả từ Trung Quốc sang Việt Nam do giá nhân công Việt Nam rẻ hơn và hàng xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước khác thường quy trình kiểm tra cũng dễ dàng hơn so với hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

Việt Nam đang dần trở thành điểm nóng sản xuất hàng giả
Doanh nghiệp cần chủ động tham gia công tác chống hàng giả cùng với cơ quan chức năng. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia tại hội thảo “Doanh nghiệp đồng hành cùng quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” diễn ra sáng 22/4, nếu không có biện pháp quyết liệt thì rất có thể Việt Nam sẽ thế chân Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất hàng giả của thế giới.

Muôn nẻo hàng giả

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhận định các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả tại Việt Nam ngày càng tinh vi. Hàng giả không chỉ sản xuất trong nước mà còn nhập khẩu dưới dạng nguyên chiếc hoặc dưới dạng linh kiện nên rất khó phát hiện.

“Có những công ty cung cấp tới 90% hàng giả sản phẩm nhập khẩu mà sản phẩm giống đến mức chỉ có những doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa đó, bằng những biện pháp nghiệp vụ riêng, mới phát hiện ra được,” ông Lam nói.

Theo số liệu của Cục quản lý thị trường, nếu như năm 2010, số vụ xử lý hàng giả chỉ khoảng 10.500 vụ, số tiền phạt là 44,4 tỉ đồng và giá trị hàng vi phạm chỉ là 3,8 tỉ đồng thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên đến hơn 14.000 vụ bị xử lý, số tiền phạt là 62,01 tỉ đồng và giá trị hàng hoá tiêu hủy là 32,1 tỉ đồng. Như vậy, hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng tăng mạnh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng do Việt Nam tiếp giáp với một siêu cường quốc làm hàng giả nên việc hàng giả thẩm lậu vào nước ta là chuyện đương nhiên.

Hơn nữa, ông Phan Minh Nhựt, Giám đốc bảo vệ nhãn hiệu Công ty Nike, cho hay, hiện đang có làn sóng các doanh nghiệp sản xuất hàng giả chuyển địa điểm sản xuất và tập kết hàng sang Việt Nam do giá nhân công tại Trung Quốc đã tăng lên và do hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc, quốc gia nổi danh làm hàng giả, thường bị kiểm tra 100% khi xuất sang các nước khác, đặc biệt là châu Âu. Chính vì vậy, nếu không có một giải pháp quyết liệt và một chương trình chống hàng giả hiệu quả thì rất có thể Việt Nam sẽ thế chân Trung Quốc trở thành điểm nóng sản xuất hàng giả của thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Hồng dẫn chứng từ số liệu của Hải quan Mỹ cho thấy, trong số hàng giả bắt giữ được ở Mỹ mỗi năm thì 70% có xuất xứ từ Trung Quốc và 1% từ Việt Nam.

“Chính vì vậy cần phải có biện pháp ngăn chặn để nước ta không đi theo con đường sản xuất hàng giả của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lúc đó, chúng ta sẽ phải gồng mình để các quy định về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam có thể tương đồng với các nước trên thế giới,” ông Hồng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề cập đến nhiều con đường để hàng giả tràn lan tại Việt Nam như trong quá trình xuất khẩu từ Trung Quốc sang Campuchia thì bị rút ruột ở giai đoạn quá cảnh tại Việt Nam; các làng nghề ven đô ở Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc…đang trở thành “kinh đô” sản xuất hàng giả từ hàng bình dân tới những mặt hàng xa xỉ; buôn bán hàng qua mạng với những thủ đoạn tinh vi và phạm vi buôn bán toàn cầu nhưng chế tài chưa đủ mạnh để xử lý những vi phạm này….

Doanh nghiệp và cơ quan chức năng chưa thực sự “bắt tay”

Mặc dù hàng giả, hàng kém chất lượng đang là nỗi nhức nhối của xã hội và gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp nhưng dường như các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng chống.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cho hay ngoài những doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có sự phối hợp, ký kết hợp đồng về chống hàng giả với cơ quan chức năng thì đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa thấy được trách nhiệm thiết thân của mình.

“Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn ngại cung cấp cách phân biệt hàng giả cho đơn vị quản lý do lo sợ bị các đối tượng làm giả biết và sản xuất một cách tinh vi hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lo ngại việc tố cáo hàng giả, hàng nhái  sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và doanh thu của sản phẩm khi người tiêu dùng chưa thực sự phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả,” ông Lam nói.

Về sở hữu trì tuệ, ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay tính đến ngày hôm qua 21/4, mới có 490 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia hệ thống bảo vệ thương hiệu Madrid (Hệ thống quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại nhiều nước trên thế giới). Điều này, theo ông Hồng, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận sở hữu trí tuệ không phải là ưu tiên số 1, đặc biệt là các sở hữu mang tính tập thể như cà phê Buôn Mê Thuật, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận…

Chính vì vậy, các đại biểu tham gia hội thảo đều đồng tình rằng, các doanh nghiệp cần phải ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác phòng chống hàng giả như tham gia và phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm về chống hàng giả, cách thức hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng; phối hợp và tham gia tổ chức các hội nghị giao lưu thường xuyên giữa các lực lượng thực thi và các doanh nghiệp; tham gia vào các nghiệp vụ kiểm tra của quản lý thị trường khi có yêu cầu; hỗ trợ kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả.