Việt Nam đang là mục tiêu tấn công của tin tặc quốc tế

Theo taichinhdientu.vn

(Tài chính) Sáng nay (25/3), Hội thảo - Triển lãm quốc gia về An ninh bảo mật 2015 (Security World 2015) với chủ đề “Tăng cường bảo mật & An toàn thông tin trong môi trường rủi ro hiện nay” đã khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện do Tổng cục An ninh, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an) và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Trung tâm CNTT & Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức.

Tin tặc nước ngoài thường xuyên lợi dụng các điểm yếu về an ninh mạng của hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Việt Nam để tấn công. Nguồn: internet
Tin tặc nước ngoài thường xuyên lợi dụng các điểm yếu về an ninh mạng của hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Việt Nam để tấn công. Nguồn: internet

Đây là diễn đàn quốc gia lớn và đáng tin cậy nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực an ninh bảo mật. Hội thảo đã quy tụ hàng trăm khách mời là các lãnh đạo cấp cao khối Chính phủ, cùng các chuyên gia đầu ngành, các giám đốc CNTT (CIOs) và giám đốc bảo mật (CSOs) tới chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật những công nghệ an ninh bảo mật mới nhất.

Security World 2015 hướng đến mục tiêu giúp các doanh nghiệp, tổ chức nắm bắt và đánh giá được các hiểm họa an toàn thông tin hiện hữu, cũng như đề xuất các phương án giúp các tổ chức ứng phó kịp thời trước sự phát triển nhanh chóng của các nguy cơ bảo mật và đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn bảo mật mới.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thượng tướng Trần Văn Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh (Bộ Công An) cho biết, sự phát triển của CNTT và Internet đang mở ra nhiều thách thức và yêu cầu đối với vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu của các cá nhân, tổ chức và các quốc gia. Các phương thức và hệ thống bảo mật truyền thống không còn phát huy nhiều hiệu quả, đòi hỏi phải có công cụ kỹ thuật tiên tiến hơn để đáp ứng khả năng bảo mật thông tin dữ liệu quan trọng.

Thời gian qua, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vừa phải đổi mặt với nguy cơ bị tấn công, vừa phải quan tâm đến vấn đề phát triển các công nghệ mới nhằm đảm bảo vấn đề bảo mật và an toàn thông tin. Bởi lẽ, an toàn thông tin không chỉ đóng vai trò như một dự án công nghệ, mà còn đặt ra thách thức nặng nề cho các lãnh đạo CNTT trong việc củng cố bảo mật.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cũng khẳng định, cả nước hiện có có hơn 30 triệu người thường xuyên sử dụng Internet. CNTT được ứng dụng rộng rãi trong cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và hoạt động của người dân. Song song sự phát triển đó thì vấn đề an toàn thông tin cũng ngày càng cấp thiết, nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng gia tăng về mức độ và số lượng.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thông tin, nội dung này được nêu trong Nghị quyết 36 của Chính phủ và một loạt các văn bản pháp luật khác. Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật An toàn thông tin, đang trình Ủy ban Quốc hội tiến, dự kiến sẽ thông qua trong phiên họp thứ 10 để năm sau có văn bản pháp lý về an toàn thông tin.

Báo cáo tại Security World 2015 cho thấy, tình hình an toàn, anh ninh mạng tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, tòn tại nhiều sơ hở gây nguy cơ bị tấn công, phá hoại hạ tầng mạng thông tin, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Bảo cáo của hãng bảo mật Kaspersky và Symantec xếp Việt Nam đứng thứ 3 sau Nga và Ấn Độ về số người dùng di động bị mã độc tấn công nhiều nhất thế giới.

Việt Nam cũng đứng thứ 6 trên thế giới về số lượng địa chỉ IP trong nước được dùng tỏng các mạng máy tính ma tấn công nước khác, thứ 7 trên thế giới về phát tán tin nhắn rác và thứ 12 về các hoạt động tấn công mạng. Điều đó cho thấy ý thức, kiến thức về đảm bảo an toàn, an ninh mạng của người sử dụng còn nhiều hạn chế. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào Việt Nam gia tăng về số lượng, gây nguy cơ bị kiểm soát, khống chế hệ thống thông tin.

Tin tặc nước ngoài thường xuyên lợi dụng các điểm yếu về an ninh mạng của hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Việt Nam để tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, chỉnh sửa nội dung. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tình hình an ninh mạng nhưng công tác phòng thủ, chống tấn công, xâm nhập chưa mang lại hiệu quả.