“Vòi bạch tuộc” tín dụng đen

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Đúng trong thời điểm nền kinh tế đang ở ngưỡng "chạm đáy” thì vỡ ra hàng loạt các vụ tín dụng đen. Có những sự vụ con nợ ôm hàng trăm tỷ đồng bỏ trốn, chủ nợ lâm cảnh dở sống, dở chết. Điều đáng nói là, không chỉ oanh tạc ở khu vực thành thị, "con bạch tuộc” tín dụng đen còn len lỏi về nông thôn, vùng sâu vùng xa… khiến bao người dân lâm cảnh khốn cùng.

“Vòi bạch tuộc” tín dụng đen
Tín dụng đen đã dễ dàng móc túi của rất nhiều người nhẹ dạ cả tin. Nguồn: internet
Tín dụng đen "vỡ trận”

Đã có thời điểm, những tưởng "con bạch tuộc” tín dụng đen đã hết đất sống sau khi Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực; vậy nhưng gần đây, "vòi bạch tuộc” ngày một lan tỏa khủng khiếp hơn, bao vây về các vùng nông thôn, lòe bịp những người dân nhẹ dạ, cả tin. Liên tiếp tại các địa phương, các vụ vỡ hụi, vỡ nợ đang gây ra những tai họa, đẩy nhiều người dân đến bước đường cùng. 

Đặc điểm chung của các vụ vỡ nợ tín dụng đen, đó là hầu hết con nợ đều lợi dụng sự quen biết, chủ yếu là mối quan hệ hàng xóm láng giềng, thậm chí là cả người trong gia đình, họ hàng… để dễ bề vay mượn.

Chủ nợ, thường là do tin tưởng vì là "chỗ thân tình”, không bao giờ nghĩ sẽ bị lừa lọc, mặt khác, thông thường tín dụng đen có mức lãi suất rất hời, cao gấp nhiều lần mức lãi suất ngân hàng (lãi suất của ngân hàng cao nhất cũng chỉ là 15%/năm thì lãi suất tín dụng đen có thể lên 10%/tháng. Đây chính là điểm mấu chốt khơi dậy lòng tham của người cho vay.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, với lãi suất trung bình khoảng 2.000 – 3.000 đồng/ngày cho một triệu đồng tiền vay, ước tính một người nếu cho vay 100 triệu đồng thì mỗi tháng sẽ thu lãi từ 6 triệu đến 9 triệu đồng, gấp hàng chục lần lãi suất gửi tiết kiệm ở các ngân hàng nhà nước, và một công chức hì hụi làm cả tháng trời. Bởi vậy, không có gì lạ khi nhiều người huy động tiền của gia đình, của anh em họ hàng… để lấy vốn cho vay. Chỉ bằng một chữ ký trong một bản cam kết sơ sài không có giá trị pháp lý, họ mạo hiểm "gửi trứng” cho những kẻ ác. 

Chỉ đến khi, con nợ ôm tiền "đào tẩu”, chủ nợ mới vỡ lẽ: Làm gì có chuyện lãi suất có thể cao như vậy?

Những vụ vỡ nợ, vỡ hụi ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Điện Biên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh… cho thấy, "con bạch tuộc” tín dụng đen đã len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến nông thôn, và không buông tha một đối tượng nào, kể cả những người nghèo nhất.

Mới đây nhất, vụ vỡ nợ hơn 100 tỷ đồng xảy ra ở Lạng Sơn và chuyện bà phó hiệu trưởng trường THDL Phương Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) ôm hàng trăm tỷ cùng vài chục sổ đỏ liệu có là bài học giúp người ta tỉnh ngộ?

Lạ là, các vụ tín dụng vẫn được các con nợ thực hiện với những thủ đoạn cũ, đó là lợi dụng mối quan hệ quen biết, tạo dựng niềm tin, trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng… "bài” đã quá cũ song không hiểu sao vẫn có vô số người rơi vào "bẫy” tín dụng đen.

Mới nhất, vụ vỡ hụi lớn đã gây rúng động dư luận tại khu chợ Thủ (thuộc Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Bằng hình thức vừa chơi hụi vừa cho vay tiền, vàng, chủ hụi đã dễ dàng lôi kéo nhiều tiểu thương tham gia vào các dây hụi của mình. Ở cuộc hụi này, người tham gia ít cũng cỡ trăm triệu, người nhiều thì lên đến trên hàng tỷ đồng. Và vụ vỡ hụi này đã đẩy một người dân đến mức tử vong do quá sốc.

Niềm tin hay lòng tham "vỗ béo” tín dụng đen?

Trả lời câu hỏi về việc đã có nhiều vụ việc vỡ lở, quá nhiều bài học cay đắng, tại sao người ta vẫn cứ lao vào? Chị H.T.M (ở Đan Phương, Hà Nội) – một nạn nhân bị con nợ "bùng” hàng trăm triệu, chỉ biết than thở rằng, vì là người quen, hàng xóm láng giềng "tối lửa tắt đèn”, nên tin là không thể có chuyện người ta lừa mình. Trường hợp anh T.A.T ở Bắc Ninh cũng tương tự, do tin tưởng và coi nhau như người thân trong gia đình, anh đã cho chủ nợ vay với số tiền lên tới 500 triệu để rồi bây giờ, tiền thì mất, tình bạn, tình anh em cũng tan biến theo.

Có thể thấy, bằng những chiêu thức lừa đảo, ngụy trang tinh vi, "trùm” tín dụng đen đã dễ dàng móc túi của rất nhiều người nhẹ dạ cả tin, hay nói đúng hơn là lòng tham đã khiến nhiều người lâm cảnh "tiền mất, tật mang”. Và hậu quả của những vụ sập bẫy tín dụng đen thì đã quá rõ, người từ chủ nợ biến thành con nợ, nhiều gia đình tan nát, vợ chồng ly tán. Và không ít người rơi vào  vào vòng lao lý, thậm chí tìm đến cái chết để mong được giải thoát… 

Giới luật sư cho rằng, để xảy ra tình trạng này, nguyên do là bởi còn quá nhiều bất cập trong quy định của pháp luật. Thực tế, có khá nhiều vụ tín dụng đen đã vỡ lở nhưng số vụ được đưa ra pháp luật xét xử rất ít, thậm chí có nhiều vụ việc không thấy xét xử… điều này cho thấy tính răn đe của pháp luật không cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến "vòi bạch tuộc” tín dụng đen dễ dàng và vươn xa tới khắp nơi từ biên giới phía bắc đến miền nam, Tây Nguyên, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, và không tha một đối tượng nào.

Có lẽ, sự lỏng lẻo của pháp luật là một nguyên nhân, song hơn hết cả, chính lòng tham của con người mới là lý do khiến tín dụng đen vẫn còn đất sống…

Tín dụng đen đã dễ dàng móc túi của rất nhiều người nhẹ dạ cả tin, hay nói đúng hơn là lòng tham đã khiến nhiều người lâm cảnh "tiền mất, tật mang”. Và hậu quả của những vụ sập bẫy tín dụng đen thì đã quá rõ, người từ chủ nợ biến thành con nợ, nhiều gia đình tan nát, vợ chồng ly tán. Và không ít người rơi vào  vào vòng lao lý, thậm chí tìm đến cái chết để mong được giải thoát…