Vụ "siêu lừa" Huyền Như liên quan gì đến vụ bầu Kiên?

Theo vietnamnet.vn

(Tài chính) Khi cái tên "bầu" Kiên từ lâu đã nổi như cồn thì cái tên Huỳnh Thị Huyền Như trước đây chìm nghỉm bởi người đàn bà này vốn chẳng có gì "đáng giá". Thế nhưng, ít ai ngờ chính Huyền Như đã là kẻ khiến hành vi phạm pháp của "bầu" Kiên bại lộ, vướng vòng lao lý.

Vụ "siêu lừa" Huyền Như liên quan gì đến vụ bầu Kiên?
Vụ Huyền Như bại lộ kéo theo một dàn lãnh đạo ngân hàng ACB “dính” vào vòng lao lý, trong đó có bầu Kiên. Nguồn: internet

Chiêu lừa ngàn tỷ

Khoảng cuối năm 2007, lúc đó Huỳnh Thị Huyền Như là cán bộ tín dụng Vietinbank - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn đó, kinh doanh bất động sản còn trong thời kỳ hoàng kim, đầy hứa hẹn nên Như cũng muốn thử sức mình, nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Thế nhưng với tình hình tài chính bản thân, dốc hết túi cũng không đủ làm ăn "lớn", Như bắt đầu đứng ra huy động vốn bằng cách làm hồ sơ vay tại các ngân hàng, vay tiền của các "đại gia" với lãi suất cao.

Thông qua nhiều mối quan hệ, Như vay hàng trăm tỷ đồng của các đối tượng như Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Phạm Văn Chí (những bị can bị khởi tố về tội cho vay nặng lãi) với mức lãi suất từ 0,4% đến 1%/ngày.

Mỗi cá nhân Như vay từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, có nơi Như vay với điều kiện vài ngày đáo hạn một lần, nhập tiền lãi vào gốc rồi vay tiếp, có nơi mỗi tháng đáo hạn một lần... cứ như thế lãi mẹ đẻ lãi con, trong thời gian ngắn ngủi số tiền nữ siêu lừa mắc nợ lên tới cả ngàn tỷ đồng, không một công việc kinh doanh nào có thể bù đắp nổi.

Từ đó, Như sống trong vòng vây luẩn quẩn vay - trả, trả - vay. Cũng trong quá trình gầy dựng "sự nghiệp", Như đứng ra thành lập Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải, giao cho chị gái là Huỳnh Mỹ Hạnh làm Phó Giám đốc.

Thực chất, công ty Hoàng Khải chỉ là "sân sau" với nhóm nhân viên dưới quyền giúp việc cho Như lừa đảo. Mỗi khi cần thiết, những khoản tiền Như huy động được lấy danh nghĩa và chuyển về số tài khoản của công ty Hoàng Khải sau đó Như rút ra hoặc sai nhân viên chuyển đi cho các chủ nợ.

Hết vay tiền của các "đại gia" với mức lãi suất cắt cổ, Như quay sang lợi dụng danh nghĩa Vietinbank để huy động vốn.

Những "ông lớn" vạ lây

Tháng 7/2011, Như mới được thăng chức quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Để có doanh số và có tiền trả nợ, thông qua Đoàn Đăng Luật - Trưởng phòng nguồn vốn Navibank, Như thỏa thuận sẽ huy động vốn của Navibank do 14 cá nhân là nhân viên ngân hàng này đứng tên gửi với mức lãi suất 14%/năm, chưa kể chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5%/năm.

Sau đó, Như đề xuất lãnh đạo Vietinbank ký 18 hợp đồng tiền gửi với 18 cá nhân của Navibank, nhận gửi 500 tỷ đồng, lãi suất 14%/năm, thời hạn 4 tháng. Khoản tiền chênh lệch ngoài hợp đồng Như không báo cáo nên lãnh đạo Vietinbank đã chấp nhận đề xuất trên.

Sau khi ký các hợp đồng, một số nhân viên Navibank không giữ thẻ tiết kiệm mà chính Như giữ sau đó đã tự trích chuyển từ các tài khoản này đi trả nợ cho các chủ nợ của mình.

Trong phi vụ này, Như khai đã phải chi cho Luật hơn 30 tỷ đồng tiền lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng nhưng Luật chỉ thừa nhận đã nhận gần 9,5 tỷ đồng. Navibank đã bị Như lừa đảo, chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

Tương tự như tại Navibank, vào giai đoạn này, Ngân hàng thương mại cổ phẩn Á Châu (ACB) huy động được từ khách hàng một lượng tiền nhiều với mức lãi suất cao nhưng việc cho vay lại gặp khó khăn.

Tiền lãi huy động hàng tháng vẫn phải trả trong khi không có nguồn thu từ tiền lãi cho vay, lãnh đạo ACB trong đó có ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã có cuộc họp quyết định ủy quyền cho Kế toán trưởng ngân hàng này tổ chức thực hiện, ký hợp đồng gửi tiền của ACB vào các ngân hàng để "gỡ gạc" phần nào tiền lãi suất, hoa hồng, khuyến mại theo quy định của các ngân hàng.

Huỳnh Thị Huyền Như đã không bỏ qua cơ hội này. Thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ) và Huỳnh Thị Ngọc Ánh (Phó phòng kế toán Ngân hàng ACB), từ tháng 8/2010 đến tháng 9/2011, Như đã lấy danh nghĩa Vietinbank huy động của ACB dưới danh nghĩa 19 nhân viên của ngân hàng này đứng tên gửi tổng cộng 1.101,4 tỷ đồng.

Cụ thể, thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Như huy động của ACB 668,908 tỷ đồng đứng tên 17 nhân viên của ACB gửi vào Vietinbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8% đến 4,5%/năm, tùy theo số tiền và thời gian gửi.

Ngay sau khi ACB chuyển tiền cho Vietinbank, Như đã trả ngay cho ACB hơn 10 tỷ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Sau đó, Như yêu cầu 17 nhân viên ký giấy nộp luôn số tiền này vào tài khoản tiền gửi của họ tại Vietinbank.

Sau đó, Như giao hợp đồng cho các nhân viên nhưng toàn bộ 17 thẻ tiết kiệm Như giữ lại rồi giả chữ ký của các chủ thẻ, thế chấp vay của Vietinbank 514,5 tỷ đồng. Số tiền của ACB còn lại trong các thẻ tiết kiệm của nhân viên, Như tiếp tục giả chữ ký của chủ thẻ, giả lệnh chi để chuyển tiền trả nợ cho các cá nhân, tổ chức mà Như đã chiếm đoạt trước đó. Như trả cho Ngọc số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 3,7 tỷ đồng. Tổng cộng, Như còn chiếm đoạt của ACB 718,9 tỷ đồng.

Khi hành vi lừa đảo của Như bị bại lộ, kéo theo hàng loạt các tổ chức, cá nhân phải lao đao. Trong đó, dàn lãnh đạo của ACB gồm ông Nguyễn Đức Kiên, ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT), ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) và một số cá nhân lãnh đạo tại ngân hàng này đã bị khởi tố, điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đó cũng là "phát súng" mở màn cho những ngày tháng vướng vòng lao lý của "bầu" Kiên với hàng loạt tội danh sau này.