Xảy ra lãng phí: Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

 Xảy ra lãng phí: Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đưa ra phải đưa ra được giải pháp chống thông thầu. Nguồn: baohaiquan.vn

Luật làm sao để chống "thông thầu"

Sau những thảo luận, góp ý của đại biểu Quốc hội kỳ 5 Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra, còn 9 vấn đề lớn của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần tiếp tục được thảo luận.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, trong 9 phần nội dung còn ý kiến khác nhau, có ý kiến đề nghị không quy định phương pháp giá đánh giá thấp nhất trong phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu (Điều 45, Điều 46 dự án Luật) vì chưa phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay. Thay vào đó các ý kiến đề nghị quy định về phương pháp đánh giá theo mức giá hợp lý, bổ sung quy định về giá sàn nhằm giải quyết tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá thấp.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, phương pháp giá đánh giá thấp nhất quy định tại Luật Đấu thầu hiện hành là phương pháp tiên tiến, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng khó áp dụng trong một số trường hợp cụ thể của nước ta. 

Về ý kiến đề nghị bổ sung phương pháp đánh giá theo giá hợp lý, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, thông lệ quốc tế chưa có quy định về phương pháp đánh giá này.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định về giá sàn, theo Ủy ban Kinh tế, các phương pháp quy định chi tiết trong dự án Luật sẽ khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp. Đồng thời, dự án Luật cũng đã bổ sung một Chương về quy trình lựa chọn nhà thầu, theo đó trong từng khâu của quá trình đấu thầu từ đánh giá hồ sơ, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đã có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân trong việc xác định sự phù hợp của đơn giá chào thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cũng có ý kiến đề nghị quy định hình thức giá hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm (%) đối với tư vấn thiết kế như Luật Đấu thầu hiện hành. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, nếu quy định hình thức giá hợp đồng theo tỷ lệ % đối với tư vấn thiết kế như Luật Đấu thầu hiện hành thì trên thực tế thường bị nhà thầu tư vấn thiết kế lợi dụng để nâng dự toán công trình nhằm hưởng phí thiết kế cao bằng cách thiết kế công trình trên mức an toàn yêu cầu, sử dụng vật tư, vật liệu đắt tiền, có tiêu chuẩn kỹ thuật cao không cần thiết, dẫn đến gây lãng phí vốn làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Do đó, Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về các hình thức giá hợp đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn (như hình thức giá hợp đồng trọn gói, theo thời gian) và bỏ quy định hình thức giá hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm nhằm để hạn chế việc lợi dụng.

Trao đổi về những vấn đề bất cập, còn tồn tại trong Luật Đấu thầu hiện hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tồn tại của Luật Đấu thầu hiện tại là còn để xảy ra việc thông thầu nên sau khi trúng thầu thì các đơn vị điều chỉnh và đội giá lớn. “Không có công trình nào mà không đội giá, thậm chí còn đội giá lớn. Vừa qua, sau khi rà soát lại một số công trình thì có công trình đội giá cả nghìn tỷ mà không xử lý được. Do đó, Luật Đấu thấu (sửa đổi) mới chính là cái “ruột” của phòng chống lãng phí, tham nhũng chứ không phải Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là quy định hết được”- Chủ tịch nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội: “Nếu để thông thầu là có tham nhũng rồi. Để xảy ra đội giá cũng là có tham nhũng. Vậy chống thế nào? Phải xây dựng luật làm sao để trình được với Quốc hội biện pháp chống thông thầu, đưa ra để Quốc hội bàn thảo xem có chống được không. Vấn đề vi phạm cũng cần được quy định rõ ràng chứ quy định như trong dự thảo thì đơn giản quá”.

Về vấn đề điều chỉnh giá trúng thầu, Chủ tịch Quốc hội quyết liệt: “Tôi không đồng ý điều chỉnh giá, giá trúng thầu là giá cuối cùng, đơn vị trúng thầu phải tính hết được những rủi ro để đưa vào giá”.

Chống tham nhũng phải huy động sức mạnh toàn dân

Thảo luận về dự thảo Luật Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), nhiều ý kiến trao đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự luật.

Thảo luận về vấn đề này, có ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dự thảo chỉ nên quy định đối với khu vực Nhà nước, không nên quy định đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hơn nữa không nên chỉ đưa ra các quy định pháp luật để điều chỉnh mà không có chế tài xử lý vi phạm.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm là cuộc đấu tranh của toàn dân, vì vậy, dự thảo phải huy động được sức mạnh của dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc Hội Phùng Quốc Hiển cho biết, dự thảo đang đi theo hướng quy định đối với cá nhân nhưng hành động có tác động tới cộng đồng, bởi thực tế đã có nhiều trường hợp tổ chức hiếu hỉ linh đình, lãng phí. “Nếu không quy định được cụ thể vấn đề này trong Luật thì giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương”- Ông Hiển nói.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc tổ chức các lễ hội tại các địa phương ngoài xin ý kiến của chính quyền địa phương, đơn vị tổ chức còn phải được sự đồng ý của cấp ủy. Do đó nên bổ sung trách nhiệm của cấp ủy cùng với chính quyền địa phương trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí khi tổ chức lễ hội tại các địa phương.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, việc phát hiện, kiến nghị hành vi, công việc gây lãng phí đã có nhiều nhưng hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý. Để làm tốt hơn công tác tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ hơn chế tài người đứng đầu, cấp trên của đơn vị xảy ra lãng phí.

Đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, dự thảo có quy định người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật nhưng cần được quy định rõ hơn trong dự thảo để rõ ràng về chế tài, nhằm hạn chế vi phạm.

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tới.