Xét xử vụ sản xuất hàng giả thương hiệu Kềm Nghĩa

Hồng Ánh

(Tài chính) Ngày 26/04/2013 tại TP. Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn chính thức mở phiên xét xử lưu động đối với bị cáo Nguyễn Văn Kiên sinh năm 1976 tại Thanh Hoá, tạm trú tại phòng số 4, số nhà 60/18C ấp Tiền Lân 1 xã Bà Điểm huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, can tội sản xuất hàng giả.

Bị cáo Nguyễn Văn Kiên tại phiên tòa. Nguồn: FinancePlus.vn
Bị cáo Nguyễn Văn Kiên tại phiên tòa. Nguồn: FinancePlus.vn
Kết quả điều tra từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hóc Môn cho thấy, từ tháng 9/2012 bị cáo Nguyễn Văn Kiên bắt đầu sản xuất hàng giả thương hiệu Kềm Nghĩa. Đến ngày 14/09/2012  bị bắt khi đang vận chuyển hàng giả đi tiêu thụ.

Theo đó, cơ quan điều tra đã tịch thu 500 cây kềm giả với các mã hàng giả  D-01, D-501, D-401 với tổng giá trị 36. 640.000 đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn tịch thu một máy dập cốt, một máy khoan lưỡi gà, một máy mài, hai bao phôi sắt, một cục sắt có in chữ nổi “Nghĩa”, một bao chứa bao bì giả nhãn hiệu Kềm Nghĩa, một xe máy, một điện thoại di động. Đây là dụng cụ dùng để sản xuất và tiêu thụ hàng giả. Được biết, bị cáo Nguyễn Văn Kiên đã từng có thời gian làm việc tại Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa.

Tại phiên xét xử, bị cáo Kiên khai nhận đã thu mua kềm cũ và nguyên liệu tại nhiều cửa hàng, tiệm làm tóc trên địa bàn huyện Hóc Môn để tiến hàng sản xuất hàng giả và tiêu thụ trên địa bàn huyện Hóc Môn và Tân Bình với mức lãi từ 3000- 4000 đồng/cây kềm.

Căn cứ vào Bộ Luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Kiên đã vi phạm vào khoản 1 điều 156 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Kết thúc phiên toà, bị cáo Nguyễn Văn Kiên nhận mức án 18 tháng tù giam.

Trước thực trạng hàng gian hàng giả tràn lan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, từ năm 2007 Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa đã chủ động thành lập Ban chống hàng giả.

 Đến nay, Ban chống hàng giả của Kềm Nghĩa đã phát hiện nhiều điểm bán hàng giả trên cả nước. Các điểm nóng làm giả sản phẩm của Kềm Nghĩa là tại các địa phương như Bạc Liêu, Nghệ An, Huế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, Kềm Nghĩa đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lí hành chính trên 10 vụ với số lượng kềm giả đến hàng ngàn cây.

Mới đây, ngày 31/1/2013, thanh tra Sở Khoa học Công nghệ TP Hà Nội đã phát hiện trên 130 cây kềm giả tại cửa hàng Quỳnh Nga (số 7, Hàng Cá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo kết luận thanh tra, cửa hàng Quỳnh Nga đã kinh doanh các mặt hàng sử dụng nhãn hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của công ty cổ phần Kềm Nghĩa.

Bên cạnh đó, từ tháng 8/2012 Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa đã phát động chương trình Giải thưởng chống hàng giả. Theo đó, nếu phát hiện và thông báo nơi sản xuất, buôn bán hoặc tàng trữ hàng giả các sản phẩm thương hiệu Kềm Nghĩa (gồm logo Nghĩa, tên Kềm Nghĩa) sẽ được thưởng 20% trên tổng giá trị hàng giả bị bắt từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thưởng 5 triệu đồng với tổng giá trị hàng giả bị bắt dưới 30 triệu đồng.

Đại diện Kềm Nghĩa cho biết, việc công an cảnh sát điều tra huyện Hóc Môn tiến hành khởi tố và xét xử hình sự đối với Nguyễn Văn Kiên về hành vi sản xuất hàng giả đã thể hiện quyết tâm của doanh nghiệp cũng như chính quyền trong nỗ lực chống hàng giả. Đây cũng là lần đầu tiên một vụ án hình sự về sản xuất hàng giả sản phẩm Kềm Nghĩa được tiến hành sau nhiều vụ án chỉ dừng lại ở mức dân sự.

Trong tương lai, Kềm Nghĩa sẽ tiếp tục tuyên chiến với vấn nạn hàng giả để người tiêu dùng không bị ảnh hưởng, bảo về danh tiếng và hình ảnh thương hiệu của công ty trên thị trường. Đặc biệt, góp phần tích cực vào nỗ lực đồng hành cùng chính quyền và toàn xã hội loại bảo hàng giả, hàng kém chất lượng đóng góp tích cực trong việc lành mạnh thị trường và nâng cao uy tín, chất lượng của hàng Việt, thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.