Xử lý doanh nghiệp xả thải hủy hoại môi trường: Đụng đâu cũng vướng

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Chỉ có thể xử phạt hành chính, rất khó xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm nghiêm trọng trong xả thải ra môi trường; khó có thể thanh tra đột xuất vì công tác này phải theo kế hoạch và có thông báo trước theo đúng Luật Thanh tra… Nhiều khó khăn được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nêu ra tại buổi họp báo thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11.

 Xử lý doanh nghiệp xả thải hủy hoại môi trường: Đụng đâu cũng vướng
Sông Đồng Điền (TP. Hồ Chí Minh) đang bị Công ty Hào Dương “bức tử” với lượng nước thải độc hại chưa qua xử lý hàng trăm mét khối/đêm. Nguồn: internet
Xử lý nhiều, vi phạm không giảm

Thế nào là nghiêm trọng? Thế nào là cực kỳ nghiêm trọng? Đó là những câu hỏi được cán bộ của Tổng cục Môi trường nêu ra tại buổi họp báo khi đề cập đến vụ xả thải hủy hoại môi trường của Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa), Công ty Thuộc da Hào Dương (TP. Hồ Chí Minh) và một loạt doanh nghiệp (DN) trên địa bàn cả nước thời gian qua.

Hỏi rồi vị cán bộ này tự trả lời: Bởi vì chúng ta mới chỉ định tính chứ chưa định lượng được mức độ hủy hoại môi trường cũng như thiệt hại cụ thể cho người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng. Các văn bản pháp quy hiện nay chưa quy định cụ thể thế nào là nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng, từ đó đã gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.

Theo ông Lê Kế Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, không phải vi phạm bây giờ nhiều hơn trước mà do khâu thanh tra, kiểm tra làm mạnh hơn nên nhiều tổ chức, DN bị phát hiện và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đầu năm 2012 đến nay, toàn ngành TN&MT đã tiến hành 31 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 669 tổ chức.

 Kết quả cho thấy, công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường còn hạn chế; việc xử lý vi phạm của UBND một số tỉnh còn thiếu kiên quyết… Tổng cộng, các cơ quan, đơn vị vi phạm đã bị xử phạt hành chính với số tiền trên 22 tỷ đồng.

Vụ Công ty Hào Dương trước khi bị UBND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định đình chỉ thì trước đó đã có tới 9 lần bị xử phạt hành chính. Xử lý hành chính nhiều vậy mà sao không chuyển sang xử lý hình sự? Ông Lê Kế Sơn giải thích, Bộ TN&MT chỉ có thẩm quyền thanh, kiểm tra, còn truy tố hay xử lý hình sự là thẩm quyền của Bộ Công an. Với vụ Nicotex Thanh Thái, Hào Dương và một số vụ việc khác, phía Bộ Công an cho rằng chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Bộ TN&MT đang kiến nghị đưa vào luật quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, DN xả thải ra môi trường. Luật hiện quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm nhưng có nhiều trường hợp, sau khi xả thải 10-20 năm môi trường mới bắt đầu bị phá hủy. Như vậy, tất cả đều thoát tội. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cho khởi kiện ngay khi phát hiện vi phạm.

"Vá kín" những lỗ hổng pháp lý

Liên quan đến việc tại sao khó khởi kiện, một số ý kiến từ phía Bộ Công an cho biết, để có thể khởi tố cần phải làm rõ dấu hiệu tội phạm và chứng minh được hậu quả từ việc gây ô nhiễm môi trường của DN là nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, vụ Công ty Hào Dương bức tử sông Đồng Điền, con sông này rộng lớn, thủy triều lại lên xuống liên tục. Do vậy, để giám định, đo đếm rất khó khăn, tốn kém. Trước đây, vụ Công ty Vedan xả thải ra nhiều sông nhánh thuộc hệ thống sông Đồng Nai lớn như vậy nhưng thực tế vẫn không thể truy tố.

Phải chăng hệ thống văn bản pháp quy và chế tài chưa đủ sức bao quát và còn nhiều khe hở nên khó xử lý vi phạm? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ TN&MT đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, phải thừa nhận là lĩnh vực này đang rất vướng. Trước hết về nhân lực, ngành TN&MT từ trung ương tới địa phương chỉ có khoảng 800 cán bộ.

Trong khi đó, riêng lực lượng cảnh sát môi trường (C49 - Bộ Công an) đã có tới 2.000 người. Giữa thanh tra TN&MT và C49 đã có sự phối hợp chặt chẽ, nếu vụ nào có thể truy tố được sẽ truy tố. Thứ hai là việc thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ theo quy định của Luật Thanh tra, không phải lúc nào muốn thanh tra cũng được, tức là phải báo trước cho đương sự kế hoạch và nội dung thanh tra cụ thể. Tinh thần của luật là thanh tra phải bảo đảm công khai minh bạch. Tất nhiên, luật cũng cho phép thanh tra, kiểm tra đột xuất trong một số trường hợp đặc biệt nhưng phải giảm thiểu nhằm hạn chế gây phiền hà cho tổ chức, công dân.

Như vậy, rõ ràng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường nói chung và xả thải môi trường nói riêng đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Gần đây, trong một lần trao đổi với các phóng viên, một cán bộ thanh tra môi trường đã rất bức xúc: Chính vì thiếu đủ thứ nên dù "có thanh, có kiểm" nhưng không đủ sức răn đe.

Trong khi đó, các tổ chức, DN lại có đội ngũ tư vấn pháp luật nắm rất vững những lỗ hổng pháp lý hiện nay. Điều cấp thiết hiện nay là các bộ, ngành liên quan và các cơ quan quản lý sớm vá kín những lỗ hổng ấy bằng những chế tài đủ mạnh. Nếu còn tiếp tục đụng đâu cũng vướng như hiện nay, chỉ khoảng chục năm nữa, cái giá phải trả cho môi trường sẽ rất đắt.