Phó Thủ tướng Thường trực- Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình:

Xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay, bảo kê sản xuất hàng giả

Theo Mai Ka/bcd389.gov.vn

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (2007-2017), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trương Hoà Bình khẳng định hiện nay, Chính phủ đang tập trung xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lĩnh vực chống hàng giả là một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thực trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ở mọi nơi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất. Nguồn: Internet
Thực trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ở mọi nơi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất. Nguồn: Internet

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, loại trừ tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Trong đó, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người dân tham gia chống hàng giả, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ lực lượng chức năng xác định hàng thật, hàng giả, cung cấp thông tin để phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm, tham gia góp ý, kiến nghị xây dựng nhiều cơ chế, chính sách phục vụ công tác này.

Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành các quy định, thủ tục về giám định hàng giả và kiện toàn các tổ chức giám định hàng hoá đi liền với công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cần nhận diện một cách khách quan, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của nhân dân. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp.

Đây không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan thực thi mà còn trách nhiệm của Hiệp hội và chính các doanh nghiệp. Những đối tượng liên quan đến gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái còn tồn tại là do sơ hở, thiếu sót về thể chế, lãnh đạo chưa phát huy hết sức mạnh toàn hệ thống chính trị và xã hội. Chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nói đi đôi với làm, duy trì liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm pháp luật.
 
Trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, lực lượng thực thi, nhất là người đứng đầu phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất cán bộ, năng lực thực thi, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
 
Trong thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ không chỉ kênh phân phối hàng hoá truyền thống, mà còn phải chú trọng kiểm soát hàng hoá bán qua mạng internet, thương mại điện tử.

Tại khu vực biên giới, Hải quan, Biên phòng và lực lượng chức năng khác phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngay tại biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Tại địa bàn dân cư, cơ quan và lực lượng chức năng và nhân dân thường xuyên giám sát các điểm bán hàng để có biện pháp kịp thời xử lý những cơ sở tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.
 
Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng,ứng dụng công nghệ sản xuất cao, nhãn mác đẹp, giảm giá thành sản phẩm, chú ý xây dựng thương hiệu Việt. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong phát hiện và xử lý vi phạm.

Về phía người dân, vẫn còn nhiều người tiêu dùng mặc dù biết hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn tiếp tay, vẫn sử dụng bởi họ mới thấy lợi ích trước mắt, không thấy hậu quả khôn lường của hàng giả, chưa thấy được tác hại to lớn với cộng đồng, nền sản xuất trong nước, quyền lợi của người tiêu dùng chân chính.
 
Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các cơ quan báo chí, Mặt trận, đoàn thể, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng và phát động Chương trình toàn xã hội tích cực tham gia công tác chống hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh mọi mặt công tác tuyên truyền các kênh thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.
 
Tích cực vận động hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn xã hội, hợp tác với các cơ quan chức năng phòng chống hàng giả, sẵn sàng tố giác tội phạm để xử lý nghiêm minh. Tích cực góp ý, kiến nghị, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách và biện pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tại buổi Lễ, theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thực trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ở mọi nơi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất... Đây là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sản xuất, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.
 
Ngăn chặn vấn nạn nhức nhối này đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng với một quá trình bền bỉ, cả hệ thống chính trị và sự nghiêm khắc của pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục đầu tư công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, nhất là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Trong công tác, vai trò của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam ngày càng được nâng cao qua việc tập hợp, vận động các nhà sản xuất chống lại hàng giả, hàng nhái, tham mưu với các cấp chính quyền và lực lượng chức năng tăng cường giám sát, kiểm soát các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm sở hữu trí tuệ, chuyển hàng trăm hồ sơ về hàng giả và hàng nhái của doanh nghiệp hội viên đến các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý.