Xử lý thế nào với thép xây dựng Trung Quốc trá hình?

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tình trạng sản phẩm thép hợp kim Trung Quốc nhập khẩu (NK), khi vào thị trường trong nước tiêu thụ đã “hô biến” thành thép xây dựng để cạnh tranh không lành mạnh với thép trong nước đã và đang xảy ra… Liệu Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép NK có siết được tình trạng này?

Thép dây phi 6 và phi 8 là mặt hàng được thép Trung Quốc trá hình. Nguồn: internet
Thép dây phi 6 và phi 8 là mặt hàng được thép Trung Quốc trá hình. Nguồn: internet
Biến thép hợp kim thành thép xây dựng để dễ tiêu thụ

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, quản lý chất lượng thép là vấn đề nóng nhiều năm, đặc biệt thời gian gần đây khi cung cầu thị trường thép trong nước mất cân đối nghiêm trọng, áp lực của các DN sản xuất thép trong nước ngày càng tăng lên khi phải đối mặt với thép ngoại nhập, đặc biệt là thép nhập lậu từ Trung Quốc có chứa nguyên tố Bo.

Theo Thống kê của VSA, năm 2013 một lượng lớn thép Trung Quốc đã được NK vào Việt Nam, chủ yếu là thép phi 6 và phi 8. Lợi dụng việc không quy định in tên thương hiệu trên thép phi 6 và 8, thép Trung Quốc nhập về Việt Nam chủ yếu là thép có chứa tỷ lệ 0,0008% chất Bo NK vào Việt Nam. Loại thép này khi NK vào Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% .

Ông Nguyễn Văn Sưa cho biết, bản chất của thép kim chứa Bo được sản xuất trên thế giới đều là thép chất lượng và thép hợp kim dùng trong công nghiệp chế tạo máy. Thép xây dựng không chứa Bo vì không có tác dụng. Thêm nữa, thuế suất đánh vào 2 loại thép này hoàn toàn khác nhau.

Trong khi thép cuộn thuế NK là 12-15% còn thép hợp kim là 0%. Vì vậy đã xảy ra tình trạng những sản phẩm thép hợp kim Trung Quốc NK, khi vào thị trường trong nước tiêu thụ đã “hô biến” thành thép xây dựng để cạnh tranh không lành mạnh với thép trong nước. Chủ yếu tập trung ở mặt hàng thép dây phi 6 và phi 8 (2 loại thép dây này bề mặt quá nhỏ không đủ ghi thông số chất lượng của sản phẩm, những thông số này chỉ in trên dây đai).

Trước tình trạng này, VSA đã có công văn kiến nghị gửi Tổng cục Hải quan về việc nộp thuế NK trước đối với thép hợp kim khác mã HS 7227.90.00. Theo đó, VSA đề nghị Tổng cục Hải quan yêu cầu các DN khi NK “Thép hợp kim khác dạng cuộn” mã HS 7227.90.00 phải kê khai thuế suất thuế NK bằng mức thuế suất thuế NK thép cuộn xây dựng thông thường (tức là 20%). Sau khi thông quan, các DN phải đem đi kiểm định, thử thành phần hóa học và đặc điểm cơ lý tính tại cơ quan kiểm định có thẩm quyền để chứng minh lô hàng “thép hợp kim” đã NK không phải là thép cuộn xây dựng thông thường. Nếu chứng minh được là thép hợp kim sau khi kiểm định, các DN sẽ được hoàn thuế NK 20% đã nộp trước đây. VSA cũng đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với các cơ quan hữu quan, tiến hành kiểm tra việc NK “thép hợp kim khác”.

Trong buổi làm việc giữa Tổng cục Hải quan và VSA  về nội dung này, đại diện của Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cho biết, kiến nghị này không thể thực hiện được bởi các mức thuế này không phải do Tổng cục Hải quan quy định mà căn cứ vào các khung thuế suất và các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bên cạnh đó, trong nhóm HS 7227 không chỉ có thép chứa Bo mà còn bao gồm nhiều loại thép hợp kim dùng trong ngành công nghiệp khác nhau. Vì vậy, nếu thực hiện theo kiến nghị của VSA sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều ngành công nghiệp trong nước, cũng như nhiều DN khác NK thép hợp kim.

Hiện nay tất cả các mặt hàng thép NK đều được cơ quan Hải quan phân tích phân loại, để xác định một cách chính xác hàng lượng Bo. Vì vậy, không thể có việc DN NK thép hợp kim chứa Bo mà lại khai là thép xây dựng. 

Như vậy, hi vọng cuối cùng của các DN sản xuất thép xây dựng trong nước là Thông tư Liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ban hành ngày 31/12/2013 quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép NK. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 được coi là cơ sở để quản lý chặt chẽ chất lượng đối với nhà sản xuất và NK, bảo vệ hoạt động sản xuất và kinh doanh thép tại thị trường trong nước một cách lành mạnh hơn.

Thông tư liên tịch 44 có siết được đối tượng gian lận?

Theo quy định của Thông tư liên tịch 44, các loại thép NK sẽ phải lấy mẫu để kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng mới cho phép NK. Bên cạnh đó, đối với nhà sản xuất thép trong nước cũng sẽ phải áp dụng theo hệ thống quản lý chất lượng của thông tư này. Trong Thông tư 44 cũng quy định rõ đối tượng và điều kiện NK thép. Theo đó, thép NK phải được công bố hợp chuẩn, chứng nhận hợp chuẩn hoặc công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn tương ứng bởi tổ chức chứng nhận do Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, hoặc ra văn bản xác nhận.

Trường hợp thép NK không đáp ứng quy định, khi NK phải lấy mẫu kiểm tra tại cảng theo quy trình được quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN do các tổ chức giám định được Bộ Công Thương chỉ định, hoặc được thừa nhận. Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu là căn cứ để Hải quan làm thủ tục thông quan.

Riêng đối với một số sản phẩm thép hợp kim phải đảm bảo điều kiện quy định trong tiêu chuẩn thép hợp kim sử dụng cho sản xuất sản phẩm nhà sản xuất đăng ký với Bộ Công Thương, và có xác nhận năng lực sản xuất của Bộ Công Thương. Còn loại thép có quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất cho sản phẩm, hàng hóa đó thì người NK phải cung cấp thêm giấy chứng nhận liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất do tổ chức chứng nhận được Bộ Công Thương chỉ định hoặc được thừa nhận cấp.

Việc quy định buộc các DN sản xuất thép hợp kim phải đăng ký năng lực sản xuất tại Thông tư 44 có ý nghĩa quan trọng trong việc chống gian lận thương mại, bởi Việt Nam vẫn NK những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được như cán tấm nóng, thép hợp kim, thép chế tạo hoặc nguyên liệu cho sản xuất như thép phế nhập tới 70-80% theo nhu cầu thị trường, tuy nhiên, theo VSA có những sản phẩm trong nước dư thừa như thép xây dựng vẫn được nhập vào là rất vô lý.

Đại diện của một số Công ty thép như Công ty Thép Hòa Phát và Công ty Thép Việt Đức và Tổng công ty thép Việt Nam cho rằng, Thông tư 44 tuy có siết được nhưng cũng chưa bao quát được hết đối tượng gian lận trên, bên cạnh đó lại tạo ra nhiều thủ tục hành chính hơn đối với những mặt hàng thép NK hợp kim khác mà những DN này thường xuyên NK.

Cụ thể, tại Danh mục I của Thông tư liên tịch 44 có đưa vào trong đó nhóm 7227, có nêu chi tiết thép các dạng thanh và que của thép hợp kim khác, được cán nóng dạng cuộn, không đều. Theo các DN, nếu chỉ nêu như vậy thì chưa bao quát được đối tượng gian lận trên, bởi mặt hàng gian lận chỉ là mặt hàng thép hợp kim dạng cuộn chủ yếu là thép phi 6 và phi 8.

Vì vậy, việc cần làm ngay lúc này là VSA cần tiếp tục nghiên cứu thực tế để nhanh chóng đề xuất với liên Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cụ thể hơn đối tượng cần điều chỉnh là mặt hàng gian lận trên.