Xử phạt thấp chưa đủ sức dẹp nạn in lậu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Trong khi 300 cán bộ đang tập huấn 4 ngày để đối phó với vấn nạn in ấn lậu, thì các xuất bản phẩm, nhất là sách giáo khoa in lậu vẫn đang bán công khai, tràn lan tại nhiều cửa hàng, đặc biệt ở các đô thị lớn.

 Xử phạt thấp chưa đủ sức dẹp nạn in lậu
Các xuất bản phẩm in lậu vẫn đang bán công khai, tràn lan. Nguồn: internet

Diễn biến phức tạp, bày bán công khai

Còn nhớ, dịp chuẩn bị vào kỳ nghỉ hè, ngày 16/5/2014, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục đã gửi công văn đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra kỹ việc trang bị sách phục vụ việc học tập và giảng dạy, lựa chọn đơn vị cung ứng sách, đại lý phát hành có uy tín, kinh doanh sách thật, đúng pháp luật. Sự cẩn trọng của NXB Giáo dục hoàn toàn không thừa, vì các xuất bản ấn phẩm in lậu đang trở thành vấn nạn.

Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Xuất bản năm 2013 và các văn bản quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này và cơ chế quản lý thông thoáng thực sự làm cho hoạt động xuất bản, in, phát hành phát triển mạnh mẽ. Các xuất bản phẩm đa dạng hơn, phong phú hơn, phục vụ tốt các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, nhu cầu văn hóa đọc của nhân dân.

Tuy vậy, trong Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu năm 2014, được tổ chức vào 3 ngày từ 18 - 20/8/2014, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn nhận định, hoạt động xuất bản, in, phát hành còn không ít những hạn chế, yếu kém, bất cập. Tình trạng in lậu vẫn diễn ra phức tạp, công khai ở nhiều nơi, sách in lậu thuộc nhiều thể loại bán công khai ở vỉa hè, lề đường. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Hoạt động in lậu có tổ chức, bí mật, in vào ban đêm, cơ sở in núp dưới danh nghĩa công ty...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sách in lậu đang trở thành vấn nạn khó dẹp là do chế tài, mức xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe. Nếu chiếu theo khung xử hành chính đối với việc in sách lậu quy định tại Nghị định 02 (Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản) và Nghị định 47 (Quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan) thì mức xử phạt cao nhất chỉ là hơn 500 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, với những cuốn sách bán chạy thì lợi nhuận từ việc in lậu có thể lên tới hàng tỷ đồng. 

Trên thực tế, in lậu ở Việt Nam đã tồn tại nhức nhối nhiều năm qua vẫn chưa dẹp bỏ được, thậm chí có dấu hiệu ngày càng tinh vi, phát triển ở quy mô lớn. Sách giả, sách lậu vẫn đang được bày bán tràn lan ở các vỉa hè, ở trong các hiệu sách ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn.

Hầu hết các nhan đề sách ăn khách của Nhà xuất bản Trẻ qua những đợt kiểm tra đều có bản sách in lậu tại các chiếu sách trên vỉa hè, và được bán chỉ bằng 1/3 giá bìa.

Những vụ in lậu “đình đám”, chẳng hạn như lô sách First News phát hiện năm 2011 tại cơ sở Huy Thi lên đến hơn 10.000 cuốn là một minh chứng. First News đã phải nhọc công từ TP Hồ Chí Minh lần theo dấu vết sách lậu ra tại Hà Nội, để rồi phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang tại cơ sở gia công sau in.

Liên ngành hợp sức chống in lậu

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu năm nay có trên 300 đại biểu là lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, Đội liên ngành phòng, chống in lậu và Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông, NXB, các cơ sở in, cơ sở phát hành trên địa bàn toàn quốc tham gia.

Tại đây, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã yêu cầu Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương tăng cường phối hợp với Đội liên ngành phòng, chống in lậu tại địa phương và các bộ, ngành liên quan  trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động in. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.  

Có ý kiến cho rằng, trên các địa bàn như TP.Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, các cơ quan có chức năng chống in lậu phải nói là dày đặc: Cục An ninh thông tin - truyền thông, Bộ Công an; Phòng An ninh chính trị nội bộ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP, Thanh tra Sở Thông tin - truyền thông, các đội an ninh quận, huyện; các phòng văn hóa quận, huyện; các đội quản lý thị trường quận, huyện... Về nguyên tắc, các cơ quan này đều có nhiệm vụ là bảo đảm không để tệ trạng in lậu, lưu hành sách lậu, sách giả - cũng là một loại hàng giả - làm nhiễu loạn thị trường và đời sống nhân dân.

Nhưng, theo quan sát của người trong giới, tình trạng in sách lậu, bán sách lậu vẫn diễn ra tràn lan, ngang nhiên, xem chừng khó bề dẹp yên được.

Trợ lý Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ðăng Quang cho rằng, nạn in lậu là căn bệnh nan y cho nên các nhà xuất bản phải tự phòng vệ. Giải pháp chống in lậu hữu hiệu nhất là sử dụng tem chống giả trên tất cả các sách của nhà xuất bản này.

Tuy nhiên, nhiều NXB cho rằng, mặc dù họ cũng có tem chống giả nhưng tem chống giả vẫn bị... làm giả. Thực tế, người bình thường đâu có nghiệp vụ để phân biệt được đâu là sách thật, sách giả dù có tem chống giả. Tuy nhiên, độc giả có thể tẩy chay sách lậu bằng cách tìm mua sách ở những nhà sách, hiệu sách có uy tín.

Rất nguy hiểm đến học sinh

Ông Đoàn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục miền Nam từng tỏ ra lo lắng về những sai sót có thể xảy ra trong những cuốn sách in lậu. “Sai về kiến thức cơ bản là không có vì sách lậu chụp lại sách thật. Tuy nhiên, các sách lậu thường xảy ra lỗi mất nét chữ hay những hình ảnh minh họa. Đặc biệt những cuốn sách in ấn các bản đồ bị in lại, chẳng may xảy ra sai sót gì sẽ là điều vô cùng nguy hiểm cho nhận thức của học sinh. Nhất là trong kì thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua có đến 3 môn liên quan đến biển đảo”, ông Hòa nhấn mạnh.