Xung quanh việc PVFC sáp nhập với Western Bank: Không thể lấy tiền Nhà nước để bù cho những khoản đầu tư, cho vay gây thất thoát

Theo Pháp Lý

Thời gian qua, thông tin về việc Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) sáp nhập với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương tây (Western Bank) đã làm “nóng” thị trường tài chính trong nước. Bởi, dư luận không chỉ quan tâm tới việc sáp nhập của hai đơn vị này mà còn giành sự quan tâm đặc biệt tới việc cơ cấu những khoản nợ xấu, những khoản đầu tư có nguy cơ mất vốn do quản lý yếu kém lên tới hàng trăm tỷ đồng sẽ được hai đơn vị này xử lý như thế nào?

Xung quanh việc PVFC sáp nhập với Western Bank: Không thể lấy tiền Nhà nước để bù cho những khoản đầu tư, cho vay gây thất thoát
Trụ sở của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam

Nan giải chuyện nợ xấu

Thông tin về việc sáp nhập giữa PVFC và Western Bank đã làm “nóng” dư luận từ khá lâu và cho đến nay tuy các bên đều chưa xác nhận về việc sáp nhập. Song, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc công bố thông tin sáp nhập chính thức giữa PVFC và Western Bank chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều khiến dư luận quan tâm nhất hiện nay, chính là sau khi sáp nhập, cơ cấu các khoản nợ xấu của hai đơn vị này ra sao?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến ngày 31/12/2012, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam thì hiện nay, PVFC có tổng tài sản khoảng 90.000 tỷ đồng, với 45% đến từ khoản cho vay khách hàng, tương đương gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu chiếm hơn 4,85%, trong đó một nửa (trên 1.000 tỷ đồng) là nợ có khả năng mất vốn. Các khoản nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2011.

Năm 2012, PVFC khoanh khoản cho vay với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước để lên phương án xử lý và thu hồi. Trong đó, dư nợ của Vinashin là 1.068 tỷ đồng và Vinalines là 1.745 tỷ đồng, đã được  PVFC cho Vinashin vay từ năm 2009, và Vinalines là khoản cho vay từ năm 2011. Các khoản cho vay này khó có khả năng thu hồi được vốn vì hiện tại cả Vinashin và Vinalines đều đang gặp rất nhiều khó khăn

Còn với Western Bank, Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tình hình tài chính của Western Bank trước khi hợp nhất có nhiều vấn đề cần lưu ý. Tiền gửi liên ngân hàng có 1.118 tỷ đồng đã quá hạn tại 4 ngân hàng Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa (hiện đã hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn), Đại Tín và phải trích lập dự phòng 50%, tương đương 559 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của Western Bank có nhiều khoản nằm dưới dạng ủy thác đầu tư và đặt cọc môi giới chứng khoán. Khoản đầu tư vào trái phiếu 1.800 tỷ đồng chưa có tài sản đảm bảo. Khoản đầu tư vào cổ phiếu Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán xấp xỉ 88 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng giảm từ 16.598 tỷ còn 15.667 tỷ đồng, đồng thời gây khoản lỗ lũy kế trên hạch toán kế toán là 761 tỷ đồng tại thời điểm 29/2/2012. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu sau khi điều chỉnh số liệu trích lập dự phòng bổ sung của Western Bank giảm xuống còn 2.310 tỷ đồng, thiếu 690 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.

“Bình mới, rượu cũ”?

Theo đó, khi PVFC sáp nhập với Western Bank chính thức thì ngân hàng này có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản ước khoảng hơn 105.641 tỷ đồng. Một trong những nguyên tắc hợp nhất là ngân hàng mới sẽ phải tiếp nhận, thực thi và chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính do các bên đã xác lập trước đó.

Do vậy, khoản nợ xấu của Vinashin lẫn Vinalines là hơn 2.800 tỷ đồng sẽ trở thành gánh nặng chung của ngân hàng mới sau hợp nhất. Bình luận về vấn đề này, TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là cần thiết, tuy nhiên không thể lấy tiền của Nhà nước để bù cho khoản nợ xấu của các đơn vị này. Hiện tại nợ xấu của PVFC vẫn trong khoảng cho phép nhưng khi hợp nhất, nợ xấu của ngân hàng mới sẽ cao hơn nhiều.

Còn TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại tỏ ra khá thận trọng khi đề cập tới việc PVFC xin “xóa” hơn 2.800 tỷ đồng khoản nợ của Vinashin và Vinaline. Ông Thành cho rằng: Khi tái cấu trúc thì các nguồn lực sẽ được phân bổ như thế nào? Cách hỗ trợ về các nguồn lực sao cho hợp lý để khi ngân hàng mới đi vào hoạt động sẽ đảm bảo được tính thanh khoản tốt. Ngoài ra, cần phải xem xét toàn bộ các yếu tố khác có thể xảy ra trong quá trình sáp nhập và phải thật sự thận trọng trong vấn đề xóa hay không xóa nợ xấu cho Ngân hàng mới này.

Có thể thấy rằng, việc đề xuất xin “xóa”  khoản nợ hơn 2.800 tỷ đồng của PVFC đã cho Vinashin và Vinaline vay trước đó là không hợp lý. Bởi, không thể cho vay “bừa” rồi lại lấy tiền của Nhà nước để bù thay cho khoản nợ xấu này, không những thế ngoài khoản nợ xấu tại Vinashin và Vinaline, PVFC còn nhiều khoản đầu tư khác nhưng khả năng thu hồi được vốn vẫn còn là một dấu hỏi?

Ví như, PVFC đầu tư hàng trăm tỷ vào Công ty CP Phát triển Nguồn lực & Dịch vụ Dầu khí Việt Nam nhưng đến nay PVFC vẫn còn “đang kẹt” tại đây hàng nhiều tỷ đồng và khó để thu hồi được số vốn đã đầu tư tại Công ty CP Phát triển Nguồn lực & Dịch vụ Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, theo báo cáo về kết quả kinh doanh, quý IV năm 2012, PVFC lỗ gần 136 tỷ đồng. Vậy với những kết quả kinh doanh như vậy, cùng với những khó khăn của nền kinh tế thị trường thì liệu sau khi sáp nhập thành Ngân hàng mới liệu có hoạt động, kinh doanh hiệu quả?

Nói về trách nhiệm của người đứng đầu tại PVFC trong việc đầu tư nguồn vốn lớn vào Vinashin và Vinaline nhưng đến nay khó có thể thu hồi được. TS. Cao Sỹ Kiêm cho biết thêm: Tất nhiên, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề đầu tư kém hiệu quả này. Khi xem xét đề án tổng thể về việc sáp nhập giữa PVFC và Western Bank, các cơ quan chức năng cần xem xét về những vấn đề quản lý yếu kém đó để xử lý.