Phạt nặng doanh nghiệp cổ phần hóa không đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán


Trong thời gian qua, để đảm bảo thực thi có hiệu quả quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều biện pháp để thúc đẩy các DN này thực hiện, đồng thời xử lý nghiêm các DNNN vi phạm các quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại sao doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán?

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả kiểm tra, làm việc trực tiếp với các DN, việc chậm đăng ký giao dịch theo giải trình của các DNNN cổ phần hóa có khá nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, một số DN hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, nợ ngân hàng lớn, đang trên bờ vực phá sản hoặc đang trong quá trình giải quyết hậu quả sai phạm phát hiện trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn và kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch.

Trong khi đó, một số DN gặp vướng mắc trong xác định giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, còn nhiều vướng mắc về tài chính và công nợ, chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định để kiểm toán xác nhận số vốn điều lệ thực góp, chưa có phương án xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, liên quan đến việc điều chỉnh phần vốn Nhà nước hoặc đang triển khai thực hiện việc mở thủ tục phá sản đối với công ty.

Thực tế cũng cho thấy, một số DNNN cổ phần hóa có cổ đông chủ yếu là cán bộ công nhân viên, nhiều người đã nghỉ hưu, thay đổi địa chỉ liên hệ nên việc tập hợp danh sách cổ đông với đầy đủ thông tin theo quy định của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, một số DN có quy mô nhỏ, ở vùng xâu, vùng xa, việc nhận thức các quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch còn hạn chế.

Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm

Thời gian qua, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã có nhiều văn bản gửi đến các công ty đại chúng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán để phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã công khai danh sách 218 công ty đại chúng tiền thân là DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch đến ngày 31/12/2018 trên website của Ủy ban (nêu rõ đây là các DNNN cổ phần hóa) để các cổ đông tại DN biết và yêu cầu DN phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN với vai trò là đại diện chủ sở hữu phần vốn góp tại các DNNN cổ phần hóa chỉ đạo người đại diện phần vốn đôn đốc các DN này thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi 180 DN thông báo về hành vi vi phạm để xử phạt theo quy định tại Nghị định số 145/2016/NĐ-CP và đang tiếp tục tiến hành phân loại, làm rõ, xử lý các DN còn lại.

Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN này hiện gặp rất nhiều khó khăn do nhiều DN vi phạm không chấp hành. Đến nay, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt đối với 28 DN, trong đó có một số DN bị xử phạt với mức phạt rất cao, số tiền phạt là 350 triệu đồng do không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định.

Đối với các DN không chấp hành, không khắc phục vi phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản mời các DN đến làm việc hoặc thành lập tổ công tác, cùng phối hợp với đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính thành lập Đoàn kiểm tra trực tiếp tại DN để yêu cầu DN chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính. Qua đó, nắm thêm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch; nguyên nhân chậm trễ và đề nghị DN có biện pháp xử lý vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan về phía DN để sớm đưa cổ phiếu vào giao dịch.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi một số Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty/Công ty đại diện vốn nhà nước để thông báo về vi phạm của DN thuộc quản lý, giám sát và đề nghị các cơ quan, đơn vị này phối hợp yêu cầu DN thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định và chấp hành các biện pháp xử lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.