Phòng ngừa rủi ro giao thương quốc tế

Theo Lê Mỹ/enternews.vn

Ngay cả khi doanh nghiệp đã nhận thức và thường xuyên sử dụng trọng tài thương mại thì không phải tất cả doanh nghiệp đã chú trọng đến dự báo và phòng ngừa rủi ro pháp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời hội nhập: Góc nhìn về tiềm năng và các rủi ro pháp lý” do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội Trọng tài Thương mại Trung Quốc tại Đài Bắc (CAA, Taipei) tổ chức mới đây.

Hoàn thiện khung pháp lý

Theo ông Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập rất nhiều các lĩnh vực, như văn hóa, giáo dục, y tế, chính trị… Tuy nhiên, hội nhập kinh tế vẫn là yếu tố cốt lõi và trọng tâm nhất để phát huy hết tiềm năng của đất nước. Đặc biệt, Việt Nam cần phải gắn kết các FTAs thế hệ mới, chất lượng cao để cùng hợp tác và phát triển.

Khi đặt chân vào thị trường hấp dẫn những cũng vô cùng “khó tính” theo các FTAs thế hệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe về chất lượng, khối lượng hàng hóa và những ảnh hưởng phát sinh. Điều đó sẽ thúc đẩy việc cải cách hệ thống sản xuất, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xuất nhập khẩu và liên kết mở rộng nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Đối với phía Nhà nước, các FTAs thế hệ mới sẽ là chất xúc tác để cải cách thể chế; sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Top 10 quốc gia có các bên tranh chấp tại VIAC giai đoạn 1993- 2018
Top 10 quốc gia có các bên tranh chấp tại VIAC giai đoạn 1993- 2018

Phòng ngừa rủi ro

Ông Vũ Xuân Hưng, Phó Phòng Pháp chế Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng dưới tác động của các Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA..), Việt Nam được hưởng nhiều lợi thế từ ưu đãi thuế quan, đây chính là điểm mấu chốt liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

“Để hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đối mặt với các yêu cầu về nguồn gốc, tiêu chuẩn xuất xứ; bên cạnh đó là các hàng rào phi thuế quan khiến doanh nghiệp bị hạn chế ít nhiều trong việc xuất khẩu hàng sang quốc gia khác. Do đó, các doanh nghiệp càng phải chuẩn bị kỹ càng hơn về chất lượng theo yêu cầu của các quốc gia đối tác”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Thành, Giám đốc Văn phòng luật sư Mặt Trời Mới (New Sun Law), Trọng tài viên VIAC, cho biết trong hoạt động giao thương đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam- Đài Loan, những rủi ro thường liên quan đến những khác biệt trong quan niệm về giá trị, do sự thiếu hiểu biết về đối tác, rủi ro về thực thi quy định pháp luật Việt Nam, rủi ro về đất đai và tài sản gắn liền với đất, hay những chủ quan khi đàm phán và thực hiện hợp đồng,…