Quảng Ninh: 70 doanh nghiệp nợ gần 65 tỷ đồng tiền bảo hiểm

Theo Lan Vũ/enternews.vn

Tính đến hết tháng 8/2019, toàn tỉnh Quảng Ninh có 70 đơn vị chây ỳ, chậm nộp bảo hiểm cho người lao động với tổng số tiền nợ trên 64,95 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, các đơn vị đều nợ từ 3 đến 109 tháng tiền BHXH, BHYT. Đứng đầu danh sách này là Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn nợ 99 tháng với số tiền hơn 9,72 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty CP Nosco Shipyard nợ 38 tháng với tổng số tiền gần 6,2 tỷ đồng; Công ty CP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Hưng Long nợ 95 tháng với số tiền trên 3,45 tỷ đồng; Công ty CP May Quảng Ninh nợ 11 tháng với số tiền trên 3 tỷ đồng…

Công ty CP Nosco Shipyard nợ 38 tháng với tổng số tiền gần 6,2 tỷ đồng
Công ty CP Nosco Shipyard nợ 38 tháng với tổng số tiền gần 6,2 tỷ đồng

Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng cho biết, việc người sử dụng lao động không trả lương cho người lao động theo đúng thỏa thuận là trái với quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo quy định. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì hành vi không trả lương cho người lao động sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hành vi này có thể bị xử lý hành chính.

"Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động của các doanh nghiệp trên cần phải yêu cầu công ty thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Nếu công ty không thực hiện thì người lao động cần có đơn khởi kiện vụ án lao động gửi đến TAND cấp có thẩm quyền đề giải quyết theo luật định" – ông Thuận cho biết thêm.

Ngoài ra, trường hợp này nếu người lao động phát hiện doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì cần phải làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan Công an để tố cáo về hành vi phạm tội.

Với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, còn bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Căn cứ điều 216 Bộ luật Hình sự, tùy tính chất, mức độ phạm tội thì hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ có mức xử phạt khác nhau. Mức thấp nhất là phạt tiền từ 50.000.000đ đến 200.000.000đ (Pháp nhân thương mại là từ 200.000.000đ đến 500.000.000đ), mức xử phạt cao nhất là 07 năm tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

"Còn nếu doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán lương và đóng BHXH nhưng cố tình không trả lương và đóng BHXH cho người lao động thì các cơ quan chức năng cần phải có các biện pháp xử lý, yêu cầu công ty này phải thực hiện việc thanh toán lương và đóng BHXH cho người lao động và có các hình thức xử phạt cụ thể. Tùy mức độ có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi này" – ông Thuận nhấn mạnh.