Quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy: Nhiều nhưng chồng chéo

Theo ktdt.vn

Quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhiều vẫn còn chồng chéo, chậm được sửa đổi, bổ sung. Đó là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội chỉ ra quanh thực trạng cháy nổ đáng báo động hiện nay.

Công tác PCCC góp phần tích cực trong việc ổn định an ninh, trật tự, góp phần vào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác PCCC góp phần tích cực trong việc ổn định an ninh, trật tự, góp phần vào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Vẫn yếu tuyến cơ sở

Theo nhận định của các đại biểu, hệ thống chính sách, pháp luật về PCCC đã được ban hành cơ bản đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PCCC. Thống kê cho thấy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 9 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định; các bộ ban hành 24 Thông tư; HĐND 4 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC theo quy định của Điều 63a Luật PCCC.

Bên cạnh đó, công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và việc ban hành, thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cơ bản được ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế về PCCC. Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về PCCC; trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC.

Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về PCCC; trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC.

Việc triển khai chính sách, pháp luật về PCCC được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đầu tư; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC từng bước được nâng lên; công tác PCCC đã có những đóng góp tích cực trong việc ổn định an ninh, trật tự, góp phần vào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, nhiều ĐB cho rằng, hiệu quả công tác tuyên truyền PCCC chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên ý thức của người dân về PCCC ở nhiều nơi còn thấp. Công tác tập trung đầu tư cho các phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ PCCC còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được nhu cầu. Lực lượng cơ sở, chuyên nghiệp PCCC còn mỏng, thiếu.

Thiếu kiểm tra, giám sát

Theo đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội), hiện nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những quy định không còn phù hợp tình hình nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật.

Đại biểu cũng chỉ ra, hiện nay một số tòa chung cư xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu PCCC, hoặc chưa có sự thẩm định của cơ quan chức năng nhưng đã cho cư dân vào sinh sống. Điều này rõ ràng là không bảo đảm an toàn cũng như không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, đó là vấn đề nhiều ĐB thống nhất. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, công tác PCCC được xác định “phòng là chính”, đặc biệt phải có những giải pháp ngăn ngừa từ các bên liên quan, từ cơ quan chức năng và nhất là người dân… Do đó, trước tiên phải lấp các lỗ hổng trong những văn bản hướng dẫn.

Qua tham gia một số đoàn giám sát, đại biểu nhận thấy có sự chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về phòng, chống cháy nổ mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng “lỗ hổng trong thực hiện cũng khá rõ”. Cơ quan chức năng khẳng định làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng người dân khi được hỏi thì bảo không biết. Cơ quan chức năng khẳng định quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ phát hiện và xử lý rất ít.