Quyền con người: Nhận diện thách thức trong thời kỳ công nghệ số

PV.

Hiện nay, khuôn khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh công nghệ số tương đối hoàn thiện, tiệm cận với luật quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi cơ quan quản lý cần có những giải pháp hợp lý, đồng bộ vừa hạn chế những tác động tiêu cực nhưng vẫn đảm bảo sự hưởng thụ các quyền và tự do của người dân trong lĩnh vực tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận... theo quy định của pháp luật.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Hiện nay, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với việc đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong điều kiện internet, mạng xã hội cũng như tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin hiện nay được đánh giá tương đối hoàn thiện và thuận lợi. 

Cụ thể, ngày 15/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”. Theo đó, Chính phủ xác định chính sách phát triển, quản lý internet của Nhà nước Việt Nam là: “Thúc đẩy việc sử dụng internet…; Khuyến khích phát triển ứng dụng tiếng Việt…; Phát triển hạ tầng internet băng rộng… chú trọng việc phổ cập dịch vụ internet ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Ngăn chặn những hành vi lợi dụng internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục...”.

Ngày 01/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013, trong đó quy định tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội khi có đủ các điều kiện theo quy định…

Ngoài ra, Hiến pháp 2013 cũng quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội… Luật Tiếp cận thông tin do Quốc hội thông qua năm 2016 cũng quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật...”.

Luật An ninh mạng 2018 cũng khẳng định đưa ra các nguyên tắc cụ thể hướng đến bảo vệ quyền con người như: Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Nghiêm cấm việc xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…

Trên thực tế, việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin thông qua công nghệ số được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện khá sớm. Cách đây hơn 20 năm, Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu và những năm gần đây, các mạng xã hội cũng dần phổ biến và phát triển.

Theo tổ chức nghiên cứu về mạng xã hội quốc tế-Next Web, hiện nay Việt Nam nằm trong "Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới" với 64 triệu người, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu. Thống kê cho thấy, ngoài các đài phát thanh, truyền hình quốc gia và các tỉnh, thành phố, Việt Nam hiện có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Người nước ngoài và người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới mà không có bất kỳ hạn chế nào. Người dân có thể đăng lên mạng và tải về các video/clip hoàn toàn không bị cấm đoán nếu không vi phạm pháp luật...

Thách thức về quyền con người trong thế giới số

Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít phần tử cơ hội trong và ngoài nước đã lợi dụng internet, mạng xã hội để kích động, phát tán các tài liệu phản động nhằm vào việc chống phá, hòng lật đổ chính quyền nhân dân, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, như: Xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; bôi nhọ chính quyền các cấp… kêu gọi người dân biểu tình, gây rối… Thực trạng này đặt ra một trong những vấn đề quyền con người hiện nay là bảo đảm quyền con người trong tiếp cận, phản hồi thông tin và ngăn chặn việc lợi dụng quyền con người để vi phạm pháp luật.

Nói cách khác, thế giới ảo lại đặt ra nhiều thách thức đối với quyền con người, nhất là quyền tiếp cận thông tin một cách chân thực. Quyền này thường bị vi phạm từ những việc đơn giản, như mua, bán hàng (hàng giả, kém chất lượng trên mạng) cho đến những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền riêng tư của cá nhân...

Khác với thế giới thực, những thông tin mà người ta có được trên thế giới ảo khó kiểm chứng. Điều này, dẫn đến việc kẻ xấu có thể lợi dụng internet, mạng xã hội vì những mục tiêu xấu độc, như: Đưa thông tin giật gân, câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư do hẹp hòi, ích kỷ, định kiến cá nhân... Thông tin sai sự thật không những ảnh hưởng đến xã hội, mà còn tác động xấu đối với cá nhân, vi phạm quyền con người, thậm chí có người do tác động của thông tin mạng đã tìm đến cái chết…

Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tuyên truyền để người dân khi sử dụng internet, mạng xã hội cần nhận thức đúng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đó là nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, tránh trường hợp bị các đối tượng thù địch lợi dụng kích động như một số vụ việc thời gian qua; Thực hiện đúng những hạn chế quyền, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng, cung cấp dịch vụ internet, mạng xã hội…, qua đó đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhà nước và người dân trong bối cảnh công nghệ số.