Quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam được đảm bảo và tôn trọng

Minh Đức

Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng đối với một nền kinh tế phát triển, đồng thời cũng là đảm bảo quyền con người. Cùng với sự phát triển, quyền con người được đảm bảo, quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ và được bảo vệ bằng khuôn khổ pháp lý...

Tại Việt Nam, quyền con người luôn được tôn trọng, đặt lên vị trí trọng tâm hàng đầu, được cụ thể hóa thành các quyền trong Hiến pháp và pháp luật. Trong các quyền con người, tự do kinh doanh là quyền được xác định rõ ràng trong Hiến pháp năm 1992. Mặc dù, còn hạn chế ở phạm vi quyền tự do kinh doanh khi các chủ thể chỉ được tự do kinh doanh ở những lĩnh vực mà pháp luật cho phép, nhưng xét theo hoàn cảnh lịch sử, quan điểm quản lý kinh tế thời kỳ trước đó, đây được xem là bước tiến đặc biệt quan trọng trong việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam.

Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập mạnh mẽ, cũng với các quyền con người luôn được bảo đảm thì quyền tự do kinh doanh cũng cũng đã được mở rộng và được hiện thực tại Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi đã coi tự do kinh doanh là quyền con người cơ bản đồng nghĩa, quyền con người trong đó có quyền tự do kinh doanh được Nhà nước không những công nhận, tôn trọng mà phải bảo vệ, bảo đảm.

Cụ thể, Hiến pháp 2013 khẳng định, các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau trong hoạt động. Tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn về quyền tự do kinh doanh và sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Quyền tự do kinh doanh đã có một bước tiến mới, cởi mở với nguyên tắc: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Quy định này hàm chứa hai ý quan trọng, đó là: mọi người có quyền tự do kinh doanh; giới hạn của quyền tự do đó là những gì luật cấm, nói khác đi, muốn cấm cái gì, thì Nhà nước phải quy định bằng luật.

Hiện thực hóa các quyền tự do kinh doanh tại Hiến pháp, hệ thống pháp luật về kinh doanh cũng đã được hoàn thiện. Điển hình như: Luật doanh nghiệp 2014, Luật đầu tư sửa đổi, bổ sung năm 2016; Bộ luật dân sự; Bộ luật lao động; Luật đất đai… Cụ thể như:

- Điều 50 Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định về quyền tự do kinh doanh như sau: “Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật”.

- Điều 4 Bộ Luật Lao động hiện hành ghi nhận chính sách của Nhà nước về lao động như sau: Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động.

- Tại Luật Doanh nghiệp: Điều 5 quy định về việc bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp; Điều 7 quy định về quyền của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp có quyền kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Điều 8 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp...

Quyền tự do kinh doanh đã được tiếp cận theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, bãi bỏ nhiều quy định về điều kiện kinh doanh, đồng thời mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp. Lần đầu tiên, Danh mục đầy đủ các ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được tập hợp, liệt kê cụ thể trong một văn bản Luật. Theo đó, quyền tự do kinh doanh được cụ thể qua nội dung:

- Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh: Chủ đầu tư được chọn kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, kinh doanh đơn ngành hoặc đa ngành, trong trường hợp những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chủ đầu tư được phép tiến hành sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó.

- Quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh: Chủ đầu tư được tự do quyết định mức vốn đầu tư, nhưng phải đáp ứng quy định về vốn pháp định tối thiểu nếu kinh doanh một số ngành nghề nhất định như: kinh doanh vàng, dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo vệ…

- Quyền tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế: Tùy thuộc vào số lượng người đầu tư, phương thức, cách thức huy động vốn đầu tư  mà chủ đầu tư có thể chọn một loại hình tổ chức kinh tế phù hợp để kinh doanh từ đơn giản như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh đến phức tạp như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

- Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn: Chủ đầu tư quyết dịnh việc tăng vốn vay hay tăng vốn điều lệ; cách thức tăng vốn vay thông qua hợp đồng hay thông qua việc phát hành trái phiếu.

- Quyền tự do hợp đồng: Các chủ thể kinh doanh có quyền tự do lựa chọn khách hàng, tự do đàm phán, thỏa thuận, thống nhất các điều khoản của hợp đồng, tự do thỏa thuận hình thức hay nội dung của hợp đồng.

- Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp: Các chủ thể kinh doanh có quyền tự do quyết định cách thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng, hòa giải, tòa án hay trọng tài.

- Quyền tự do cạnh tranh lành mạnh: Nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Khi quyền tự do kinh doanh là quyền cơ bản của con người đã được xác định cụ thể trong Hiến pháp và được hiện thực hóa bằng các quy định pháp luật, Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu, đảm bảo quyền con người. Điều này, không chỉ được minh chứng cụ thể qua hệ thống, hành lang pháp lý mà còn hiện thực hóa ở môi trường kinh doanh của Việt Nam, khi được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao...