Quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế

Theo TBKTSG

Năm 2010, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu ban hành quy trình quản lý, thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý nợ thuế, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với các quy trình quản lý nợ có hiệu quả. Từ đó việc thực hiện thu nợ và cưỡng chế nợ thuế có kết quả ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên đánh giá về công tác quản lý thu nợ thuế, ngành Thuế cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.

Nợ thuế có xu hướng giảm dần
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tình hình nợ thuế trong năm 2010 có xu hướng giảm dần vào những tháng cuối năm. Ước tính, đến ngày 31/12/2010, có khoảng 33 cục thuế địa phương giảm nợ so với thời điểm 31/12/2009. Bên cạnh đó, ngành Thuế tập trung quyết liệt thu hồi nợ đọng của năm 2009, kết quả thu được 67% số nợ thuế của năm này. Ước tính đến hết ngày 31/12/2010, ngành Thuế sẽ thu được khoảng 70% số nợ thuế của năm 2009.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu nợ thuế còn nhiều hạn chế tồn tại. Một số cục thuế vẫn chưa có phòng quản lý nợ. Việc phân công nhiệm vụ đôn đốc thu nợ thuế dưới 90 ngày cho phòng kiểm tra ở một số cục thuế còn trùng lắp với nhiệm vụ của phòng quản lý nợ. Một số cục thuế chưa kiên quyết thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ.

Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế, bộ phận kê khai và kế toán thuế ở một số cục thuế chưa phối hợp với bộ phận quản lý nợ, trong việc đôn đốc người nộp thuế nộp số thuế bị phát hiện buộc tăng thu (nộp), qua thanh tra, kiểm tra và phạt vi phạm pháp luật thuế, theo các quyết định của cơ quan thuế… Những tồn tại này đã ảnh hưởng đến kết quả thu nợ thuế. Vì vậy, Tổng cục Thuế cho rằng, trong thời gian tới những những tồn tại này sẽ sớm được giải quyết.

Quyết liệt hơn nữa

Bước sang năm 2011, Tổng cục Thuế đã giao nhiệm vụ cho các cục thuế địa phương phấn đấu không để tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2011 vượt quá 5%, so với số thực hiện thu ngân sách (trừ số nợ thuế được gia hạn, tiền thuế đã nộp vào ngân sách nhưng đang chờ điều chỉnh); thu trên 100% nợ có khả năng thu (đến thời điểm 31/12/2010); giảm 30% nợ chờ xử lý (so với thời điểm 31/12/2010)… Để hoàn thành được những nhiệm vụ này, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thuế trong cả nước thực hiện triệt để, quyết liệt nhiều giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, về ứng dụng tin học trong quản lý nợ thu nợ thuế, ngành Thuế sẽ hoàn thiện phần mềm ứng dụng quản lý nợ thuế để tổng hợp kịp thời, đầy đủ tình hình, phục vụ việc chỉ đạo của cơ quan thuế các cấp và tăng cường đào tạo người sử dụng tại cơ quan thuế các cấp về ứng dụng quản lý nợ…

Thứ hai, ngành Thuế thực hiện xoá nợ cho các trường hợp nợ thuế trước ngày 1/7/2007 (trên thực tế không còn đối tượng để thu); xoá khoản tiền phạt chậm nộp đối với các doanh nghiệp cam kết thanh toán toàn bộ các khoản tiền nợ thuế gốc phát sinh trước ngày 1/7/2007; nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ bị tính phạt chậm nộp và bị cưỡng chế nợ thuế để khuyến khiách các doanh nghiệp nộp hết các khoản nợ gốc; bỏ quy định phải có tờ khai quyết toán thuế đối với trường hợp doanh nghiệp đã có quyết định tuyên bố phá sản của toà án, theo Luật Quản lý thuế.

Thứ ba, ngành Thuế gia hạn nợ thuế đối với người nộp thuế kinh doanh thua lỗ, gặp khó khăn về tài chính nhưng có cam kết trả nợ để khuyến khích người nộp thuế thanh toán hết nợ gốc. Đồng thời, thực hiện gia hạn nộp thuế đối với một số trường hợp thay đổi với một số trường hợp thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.

Thứ tư, ngành Thuế tiến hành nghiên cứu và ban hành các quy chế phối hợp giữa các bộ phận trong công tác quản lý nợ (để khắc phục hnạ chế về tổ chức bộ máy); bổ sung những nội dung qui định về thủ tục, trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc thực hiện đôn đốc thu nợ thuế…

Thứ năm, tăng cường đôn đốc thu nợ thuế trên cơ sở triển khai nghiên cứu phương pháp đánh giá rủi ro, phân loại người nợ thuế để áp dụng các năm sau này; tiến hành bổ sung, sửa đổi các quy định trong công tác quản lý nợ; thống nhất quy trình quản lý nợ cho tất cả các đối tượng nợ thuế trong phạm vi cả nước.

Thứ sáu, các đơn vị tổ chức một bộ phận chuyên trách để thực hiện theo dõi việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế trong cơ quan thuế. Bên cạnh đó, ngành Thuế tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu theo từng chức năng quản lý cho cán bộ thuế để trang bị kiến thức chuyên sâu, chuyên ngành, kỹ năng thành thạo và kinh nghiệm.