Sàn điện tử bán hàng nhái, ai chịu trách nhiệm?

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng cấm... Nhưng trên thực tế, vì lợi nhuận, nhiều chủ sàn vẫn cố tình “tiếp tay” cho hành vi này, trong khi sự phối hợp xử lý của cơ quan chức năng còn hạn chế và chậm trễ.

Trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng cấm. Nguồn: Internet
Trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng cấm. Nguồn: Internet

Mới đây, sự việc sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee để lọt sản phẩm đồ chơi trẻ em “Bản đồ cắm cờ thế giới có hình đường lưỡi bò” đã cho thấy thực trạng quản lý lỏng lẻo của chủ sở hữu sàn này.

Sự việc chỉ bị phát giác sau khi người tiêu dùng tố cáo, để rồi cơ quan chức năng vào cuộc buộc Shopee phải thu giữ 30 thùng đồ chơi có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chủ sàn “tiếp tay” cho hàng giả

Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thời gian gần đây, có nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên các sàn TMĐT.

Điển hình như, một người tiêu dùng ở Nha Trang (Khánh Hòa) khiếu nại việc mua trên Lazada.vn một chiếc camera phục vụ công việc nhưng khi giao hàng là chiếc camera không hoạt động được.

Hay một người tiêu dùng ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh khiếu nại việc đặt mua xe SH150i ABS 2018 giá 30 triệu đồng trên trang Sendo.vn, sau khi chuyển tiền cho người bán thì không liên lạc được vì bị gỡ gian hàng trên mạng.

Một người tiêu dùng ở Vũng Tàu mua trên Sendo.vn 2 đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe như huyết áp, nhịp tim, giấc ngủ, nhưng khi nhận hàng kiểm tra phát hiện đồng hồ không có bất cứ chức năng gì…

Cùng với đó, nhiều hàng hóa trên sàn TMĐT được quảng cáo là của thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Loui Vuiton, Lascoste, Gucci, Versace…, tuy nhiên giá bán rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.

Đại diện công ty TNHH Dược phẩm Megavita Việt Nam (Megavita.vn) cho biết công ty này kinh doanh thực phẩm chức năng với dòng sản phẩm Ivory Caps của Mỹ – được nhập khẩu trực tiếp về Việt Nam – đơn vị duy nhất có giấy ủy quyền phân phối tại thị trường Việt Nam nhưng các sản phẩm này hiện được bán rất nhiều tại các sàn TMĐT như Lazada.vn, Chiaki.vn, Aloola.vn…

“Đây thực chất chỉ là hàng xách tay, hàng không rõ nguồn gốc vì không có nhãn phụ sản phẩm và tem chống hàng giả, với giá bán chênh lệch cao khiến cho khách hàng phải phân vân về sản phẩm và ảnh hưởng tới uy tín của công ty chúng tôi”, đại diện Megavita.vn cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số – Bộ Công Thương), quy định nêu rõ trách nhiệm chủ sàn TMĐT là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp…

Khi có phản ánh của người mua hàng hoặc người dân…, ban quản lý sàn sẽ phải tiến hành rà soát và loại các hàng hóa vi phạm đó ra khỏi sàn giao dịch và có thể cấm tiểu thương vi phạm bán hàng trên sàn.

Sàn điện tử bán hàng nhái, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1

Một lọ nước hoa Chanel được rao bán trên Lazada.vn có giá chưa đến…200.000 đồng

Quản lý lỏng lẻo

Theo ông Tuấn, khi phát hiện website có dấu hiệu vi phạm về lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ tập hợp danh sách và chuyển cho cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an chủ trì hoặc phối hợp xử lý vi phạm.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đánh giá, quản lý chất lượng hàng hóa bán trên các sàn TMĐT là bài toán đau đầu, cần phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện nay phải nhìn thẳng vào sự thật là tình trạng quản lý còn có dấu hiệu quá buông lỏng, bộc lộ nhiều yếu kém.

Theo ông Hùng, cơ quan quản lý thị trường không phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính, mà Cục TMĐT và Kinh tế số mới là cơ quan quản lý nhà nước đối với các sàn TMĐT trên – có thẩm quyền cấp phép, rà soát, khi phát hiện chuyển ngay cơ quan quản lý thị trường để tiến hành kiểm tra, kiểm soát.

Được biết, trước tình trạng phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý trong Bộ, Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức cuộc họp do Thứ trưởng Đặng Hoàng An chủ trì.

Tại cuộc họp này, ông An giao Cục TMĐT và Kinh tế số chủ trì phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường, trước ngày 10/8 phải trình kế hoạch xử lý, ngăn chặn các sai phạm bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT nói riêng và bán hàng online nói chung. Trong đó, làm rõ vai trò quản lý của từng Cục, từng Vụ.