Kiểm tra sau thông quan:

Sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao

Phạm Hà

Năm 2019, lực lượng Kiểm tra sau thông quan phấn đấu thực hiện kiểm tra tối thiểu 1.356 cuộc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan, đánh giá tuân thủ pháp luật đối với 207 doanh nghiệp.

Trong những tháng cuối năm, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao,
Trong những tháng cuối năm, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao,

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, trong 06 tháng đầu năm 2019, lực lượng Kiểm tra sau thông quan đã tổng hợp, thu thập phân tích thông tin các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn, số thuế lớn theo các loại hình. Tiến hành thu thập, phân tích thông tin tập trung vào các chuyên đề, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, các mặt hàng có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm để trực tiếp thực hiện kiểm tra trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, đã hướng dẫn cục Hải quan các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan tại cơ quan hải quan đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao, các trường hợp nghi ngờ về mã số, trị giá, C/O...; Chủ động đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin trước khi lựa chọn doanh nghiệp tiến hành kiểm tra.

Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai đồng bộ các giải pháp này đã giúp cho việc kiểm tra sau thông quan được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, không trùng lặp, rút ngắn thời gian, doanh nghiệp nắm bắt ngay được yêu cầu của cuộc kiểm tra và hợp tác kịp thời với cơ quan Hải quan.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế đến ngày 30/6/2019, toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.714 cuộc, trong đó có 714 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, đạt 54% so với chỉ tiêu năm 2019, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2018, 1.000 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan.

Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 838 tỷ đồng bằng 71% so với cùng kỳ năm 2018, đã thực thu vào ngân sách nhà nước (bao gồm từ năm 2018 chuyển sang) số tiền là 927,8 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong thời gian qua, cơ quan hải quan cũng đã công nhận chế độ doanh nghiệp ưu tiên đối với 05 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hiện đang được hưởng chế độ doanh nghiệp ưu tiên lên 69 doanh nghiệp.

Trong những tháng cuối năm, nhằm tập trung làm tốt công tác kiểm tra sau thông quan góp phần chống thất thu thuế và ngân sách nhà nước, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao, hoạt động xuất nhập khẩu phức tạp và thực hiện sản xuất, xuất nhập khẩu tại nhiều địa phương khác nhau, các trường hợp nghi ngờ về mã số, trị giá, C/O...; kiểm tra làm mẫu các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm để chỉ đạo, hướng dẫn Hải quan địa phương thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp các nguồn thông tin để thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra sau thông quan đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp năm 2019 và phân tích, đánh giá thông tin các doanh nghiệp, các lĩnh vực, mặt hàng, nhóm mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, rủi ro nhằm phát hiện sớm gian lận, sai phạm để ngăn chặn kịp thời.

Hướng dẫn, chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương về công tác kiểm tra sau thông quan đảm bảo việc triển khai hoạt động kiểm tra sau thông quan đúng quy định pháp luật tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, Thông tư số 39/2018/TT-BTC...