Sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử
Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị đang chủ trì xây dựng "Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu".
Tại buổi toạ đàm “Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử ” do Báo Hải quan, Tổng cục Hải quan phối hợp với văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 19/9, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, hiện Bộ Tài chính mà trực tiếp là Tổng cục Hải quan đang chủ trì xây dựng "Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu".
Hàng cấm, hàng giả bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử
Tại cuộc tọa đàm, nhiều chuyên gia nhận định, thực trang đang tồn tại rất nhiều website giả mạo doanh nghiệp (DN) có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để buôn lậu, gây thiệt hại cho khách hàng và thất thu thuế.
Theo số liệu thống kê của Nielsen Việt Nam và Tập đoàn Miniwatts Marketing cho thấy doanh thu TMĐT của Việt Nam năm 2018 đạt tới khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, dự báo đến năm 2020, doanh thu TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 15 tỷ USD.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đánh giá hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trong các năm qua chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia.
Bên cạnh sự phát triển tích cực, TMĐT cũng tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, như: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang TMĐT, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang wesite TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, niềm tin của người tiêu dùng.
Chẳng hạn như vụ việc kiểm tra các mặt dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại cơ sở kinh doanh Thanh Mộc Hương (Hà Nội) vừa qua. Cơ quan quản lý đã tạm giữ gần 10.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Cục Quản lý thị trường cho biết chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân (thậm chí học sinh, sinh viên,…); các trang mạng, wesite TMĐT thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ: đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép…
Lý giải về điều này, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận định “Tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra rộng rãi là do các lực lượng chức năng chưa nhận diện được các thủ đoạn kinh doanh trên TMĐT, nên chưa kiểm soát được tình hình gian lận. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp sự phát triển công nghệ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”.
Sớm ban hành giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho TMĐT
Tại toạ đàm, các cơ quan quản lý đều thừa nhận việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, do việc xử lý đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi đó, các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.
Đại diện lực lượng quản lý thị trường cho hay, “hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn“.
Trước vấn đề này, hầu hết các ý kiến cho rằng cần sớm ban hành giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế cho TMĐT.
Theo ông Nguyễn Công Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp nhận ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cộng đồng DN để hoàn thiện dự thảo đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, sớm trình Chính phủ xem xét…
Tuy nhiên, TMĐT là một lĩnh vực mới, có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể, trong khi TMĐT phát triển nhanh thì hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp. Các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này đã ban hành từ 5 - 15 năm trước nên đã không còn phù hợp và lạc hậu, đặc biệt là các quy định liên quan tới TMĐT xuyên biên giới.
Tổng cục Hải quan cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa có các quy định riêng đối với quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như hàng hóa thông thường. Tuy nhiên, việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hàng hóa được giao dịch qua TMĐT được thực hiện từ khi người khai thực hiện khai báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Do đó, thông tin liên quan về hàng hóa được gửi đến cơ quan quản lý tại thời điểm muộn hơn rất nhiều so với thời điểm giao dịchTMĐT được xác lập và cơ quan quản lý không biết được thời điểm thực tế phát sinh các giao dịch TMĐT.
Ông Nguyễn Công Bình cho biết, tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 đã giao Bộ Tài chính, mà đơn vị chủ trì là Tổng cục Hải quan xây dựng “Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình cho biết, trong quá trình soạn thảo, Tổng cục Hải quan sẽ cùng với các bộ, ban, ngành trao đổi, thảo luận đưa ra những ý kiến về những vấn đề có liên quan như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý TMĐT, đưa ra các kiến nghị đề xuất để đóng góp vào việc thúc đẩy hoạt độngTMĐT nói chung và hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo ông Đàm Thanh Thế, hiện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đang xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Trong đó, sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động TMĐT.