Tạo chuyển biến trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả


Trong 5 năm (2014-2019), lực lượng chức năng trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 1.057.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật; Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91.000 tỷ đồng; khởi tố 8.788 vụ với 10.404 đối tượng... Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản.

Thời gian qua, nhiều đối tượng bị xử lý nghiêm trước pháp luật, nhiều đường dây, ổ nhóm bị triệt phá.
Thời gian qua, nhiều đối tượng bị xử lý nghiêm trước pháp luật, nhiều đường dây, ổ nhóm bị triệt phá.

Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91.000 tỷ đồng trong 5 năm

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, tính từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2019, lực lượng chức năng trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 1.057.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật...

Qua công tác xử lý vi phạm, lực lượng chức năng đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91.000 tỷ đồng; khởi tố 8.788 vụ với 10.404 đối tượng. Nhiều đối tượng bị xử lý nghiêm trước pháp luật, nhiều đường dây, ổ nhóm bị triệt phá.

Riêng năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 234 nghìn vụ việc vi phạm, tăng 4% so với năm 2017; thu nộp ngân sách trên 19 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm trước; khởi tố 1.446 vụ án, 1.656 đối tượng, tăng 6%. 

Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2008-2018, thông qua công tác quản lý nhà nước, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 192.129 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm là gần 6.417 tỷ đồng, đã khởi tố, điều tra theo thẩm quyền 289 vụ, chuyển cơ quan điều tra 708 vụ, xử lý hành chính 183.262 vụ với số tiền thu cho ngân sách nhà nước là 1.981.110 tỷ đồng.

Trong thời gian đó, cơ quan hải quan đã thu giữ được 1.569 khẩu súng các loại, 150 kg chất phóng xạ; 427,3 kg thuốc nổ; 446,7 kg và 759 bánh heroin; 598,42 kg cocain; 612,2kg ma túy các loại, cùng hơn 10 triệu lít xăng dầu, 30,1 tấn ngà voi; 403,1kg sừng tê giác, 68,6kg vàng; 346,3kg đá quý; hàng chục triệu USD và ngoại tệ khác…

Tạo được chuyển biến căn bản trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Mới đây, tại buổi làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận định, bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá điếu... vẫn diễn biến phức tạp; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phía Bắc và Tây Nam có dấu hiệu gia tăng. Các vụ việc phát hiện, xử lý trong năm 2018 chủ yếu là các vụ việc nhỏ, xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê...

Để nâng cao công tác chống buôn lậu, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền... của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23/9/2015 về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới; Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu…

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Thành lập các Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoặc giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng tình hình tại các địa phương, địa bàn trọng điểm, các hiện tượng nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ…

Ban Chỉ đạo 389 địa phương lựa chọn đơn vị trọng điểm, lĩnh vực ngành hàng trọng điểm để chỉ đạo kiểm tra thực hiện các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các bộ, ngành, địa phương bố trí lực lượng đảm bảo phù hợp, hiệu quả; Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kiểm tra, thanh tra, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giao chỉ tiêu cụ thể cho các lực lượng chức năng, tập trung công tác triệt xóa tuyến, địa bàn, tụ điểm, các đường dây, ổ nhóm…

Trong đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong khu vực kiểm soát hải quan tại các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... Chỉ đạo lực lượng Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại…