Thanh tra các sàn BĐS: Liệu có "bắt cóc" bỏ đĩa?

Hải Phan

TCTC Online - Hơn 3 năm trôi qua kể từ khi Nhà nước quy định DN kinh doanh BĐS phải bán hàng qua sàn, khu vực này vẫn tồn tại thực tế lượng cao, chất không cao. Dù "bùng nổ" về số lượng nhưng nhiều sàn giao dịch BĐS vẫn hoạt động hình thức và mắc nhiều sai phạm, gây những khó khăn cho công tác quản lý, giám sát, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường này.

Cuối tháng 1/2011, Đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Thanh tra - Bộ Xây kết hợp với Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ - Bộ Công an đã tiến hành thanh tra 61 sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội. Đây là cuộc thanh tra lần thứ 2, sau cuộc thanh tra cũng do các cơ quan này tổ chức diễn ra tại TP.HCM vào cuối năm 2010.

          Và giống như cuộc thanh tra trước đó, 28/61 sàn bị phát hiện có sai phạm không hề bất ngờ nếu như so với con số trên 324 sàn đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Tỷ lệ số sàn giao dịch BĐS sai phạm tại Hà Nội thấp hơn TP.HCM (34/66 sàn) tuy nhiên, căn bệnh thì khá giống nhau. Trước hết, phổ biến là tình trạng các sàn thông đồng với chủ đầu tư bán ra thị trường những sản phẩm chưa đủ chuẩn theo quy định, huy động vốn trái phép như bán chung cư bán khi chưa hoàn thành móng, bán biệt thự khi chưa hoàn thành xây thô, huy động vốn vượt quá 70%. Thậm chí, không ít sàn còn tung ra thị trường cả những căn hộ và lô đất liền kề hay biệt thự khi chủ dự án chưa có giấy phép xây dựng, gây rủi ro cho thị trường cũng như nhà đầu tư thứ cấp... Theo ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, tại cuộc thanh tra trên địa bàn Hà Nội, đã phát hiện một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án theo đúng quy định như Công ty cổ phần Đầu tư An Lạc, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Toàn cầu (GTC)... Do các sàn giao dịch BĐS chủ yếu là "chân rết" của các chủ đầu tư nên một số sàn còn được khai khống vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu để tham gia góp vốn đầu tư, kinh doanh BĐS. Mặt khác, nhiều DN lại chỉ coi sàn là yếu tố cần có, cần phải thành lập theo luật định, còn khi có hàng thì bằng nhiều cửa, nhiều cách tung ra thị trường nên hoạt động của các sàn đều rất  èo uột, thiếu diện tích và không đủ cơ sở vật chất như quy định, thậm chí chỉ tồn tại trên giấy tờ, hình thức.

          Do đều lường trước được các sai phạm khi cơ quan thanh tra hỏi thăm nên 25 sàn giao dịch BĐS sai phạm bị phát hiện trên địa bàn Hà Nội vừa qua đều "vui vẻ" nộp phạt. Mức phạt thấp nhất là 60 triệu đồng, cao nhất là 250 triệu đồng, tuy cao so với mặt bằng xử phạt hành chính nhưng so với lợi nhuận thu được nhờ những sai phạm nói trên đem lại thì chẳng thấm là bao. Bởi vậy, một thành viên (dấu tên) trong đoàn thanh tra đã thừa nhận có những lỗi sai phạm mà dù áp dụng mức xử phạt cao nhất thì cũng chỉ như "muỗi đốt gỗ". Chắc chắn yếu tố răn đe chưa đủ và không có gì đảm bảo các sàn này không tái diễn các sai phạm đã mắc.

          Hiện cả nước có khoảng 700 sàn giao dịch BĐS và 2/3 trong số đó là tập trung ở 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM. Là bộ mặt của thị trường BĐS Việt Nam nhưng theo cơ quan thanh tra liên ngành, số sàn hoạt động tốt chỉ chiếm 15%, số sàn vi phạm ít khoảng 55%, còn lại khoảng 30% số sàn mắc vi phạm nặng. Để khắc phục tình trạng này, thanh tra và xử phạ chỉ là bề nổi và vai trò của ngành Xây dựng hay công an cũng chỉ dừng lại ở phạt và xử lý như đã nêu. Vấn đề là phải tháo những nút thắt cơ bản để thị trường BĐS hoạt động minh bạch, khi đó chất lượng các sàn mới được nâng lên, hoạt động mới chuyên nghiệp hơn và tình trạng xử lý sai phạm mới không lo "bắt cóc bỏ đĩa".