Thuốc lá lậu chưa bao giờ hết "nóng" tại vùng biên

Theo Hoàng Oanh/enternews.vn

Theo tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia vùng lãnh thổ châu Á qua khảo sát gồm: Indonesia, Thái Lan, Lào, Australia...

Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm đếm hàng hóa vi phạm. Nguồn: Internet
Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm đếm hàng hóa vi phạm. Nguồn: Internet

Có thể nói, đây đã trở thành vấn nạn quốc gia. Hàng năm, lượng thuốc lá lậu qua Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Các đối tượng sử dụng phương tiện hiện đại, xe phân khối lớn, ô tô, xuồng máy tốc độ cao… để vận chuyển thuốc lá lậu. 

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, thuốc lá lậu đem lại siêu lợi nhuận, nên việc buôn lậu thuốc lá qua biên giới chưa bao giờ hết nóng.  

Mới đây, ngày 23/4, Hải đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, kiểm tra 2 xuồng cao tốc vận chuyển, sang mạn trái phép thuốc lá ngoại. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đã nhảy sang xuồng cao tốc chạy thoát thân, bỏ lại 1 xuồng cao tốc và toàn bộ hàng hóa được vận chuyển trên xuồng.Tại đây, lực lượng Hải quan đã thu giữ 50.330 bao thuốc lá các loại gồm 25.450 bao BLEND NO.555 GOLD, 12.430 bao ESSE AURA xanh, 12.450 bao ESSE AURA hồng; tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Ngày 24/4, trong lúc thực hiện nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 7 (Cục QLTT Quảng Bình) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 89C-063.72 điều khiển theo hướng từ Nam ra Bắc. Qua kiểm tra phương tiện, Đội QLTT số 7 phát hiện trên xe đang vận chuyển 18.600 bao thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ ...

Theo Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, so với các tỉnh biên giới phía Bắc, hoạt động vận chuyển thuốc lá lậu tại các tỉnh địa bàn phía Nam, nhất là tuyến biên giới Tây Nam như: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp. Các nhãn hiệu thuốc lá lậu phổ biến xuất hiện trên tuyến này gồm, Jet, Hero, Scott, 555, Craven”A”, ESSE, Bayon, Cowboy, Original, Ram…

Đặc biệt, mới đây trên địa bàn các tỉnh giáp ranh với biên giới Tây Nam còn xuất hiện thêm một số nhãn thuốc lá nhập lậu giá rẻ mới như Cavallo, Ice, Messi… Thuốc Messi đang kích thích người bán và tiêu dùng do lợi nhuận cao và có trúng thưởng (trong cây thuốc thường có 1 bao trúng thưởng 1 đến 10 USD).

Hiện tại ở nước ta có hơn 33 nhãn hiệu thuốc lá ngoại nhập lậu được bán, trong đó  93% sản lượng thuốc lá ngoại nhập lậu được bán ở thị trường Miền Nam (tính từ Quảng Bình trở vào), và 75% sản lượng tiêu thụ thuốc lá ngoại là 2 nhãn hiệu JET và HERO, hai nhãn hiệu này có mức độ bao phủ rất cao. Tại TP. Hồ Chí Minh thuốc lá ngoại nhập lậu chiếm khoảng 30% thị phần.

Theo ông Vũ Văn Cường, để ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, buôn bán trái phép thuốc lá, đề nghị các bộ, ban, ngành Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá. Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ đã phân công rất rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng bộ ngành, đặc biệt trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương.

Kể từ khi quyết định có hiệu lực, năm 2015 tình hình buôn lậu có giảm, nhưng từ 2016 đến nay lại tăng lên, tái nhập lậu bằng trước thậm chí cao hơn trước và tình trạng buôn lậu, bày bán công khai ở tất cả các địa phương đều có nhưng chưa xử lý được ai là người đứng đầu. “Chúng ta cần triển khai một cách quyết liệt, đúng tinh thần Chỉ thị 30” – ông Cường nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu…  

Theo ông Cường, nếu chúng ta làm tốt đầu ra tức là kiểm tra tất cả các cửa hàng, chợ, hàng quán bán lẻ thuốc lá lậu…  để giảm đầu ra thì tự khắc đầu vào sẽ giảm.

Để đẩy lùi được vấn nạn buôn lậu thuốc lá, một vấn đề không kém phần quan trọng đó là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới; củng cố sức mạnh cơ sở, gắn với lực lượng chức năng điều tra để tìm ra kẻ cầm đầu buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng hoạt động ở vùng biên giới với các cơ quan trong nội địa như: Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường... thì mới ngăn chặn được hoạt động buôn lậu thuốc lá.