Tội phạm công nghệ cao ngày càng “ma mãnh”

PV.

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng ở Việt Nam cả về quy mô và mức độ với nhiều thủ đoạn “ma mãnh”, gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Nguồn: internet
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Nguồn: internet

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng như mạng internet toàn cầu, những thủ đoạn hoạt động “muôn hình vạn trạng” của tội phạm công nghệ cao đã xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Tội phạm công nghệ cao có thể tấn công vào mạng máy tính, cở sở dữ liệu, xâm nhập hệ thống mạng máy tính của doanh nghiệp, tổ chức để lấy cắp thông tin và cản trở hoạt động.

Bên cạnh đó, thủ đoạn mà loại tội phạm này thường sử dụng hiện nay là phát tán virus, phần mềm gián điệp, spam; Sử dụng trái phép dữ liệu, đưa thông tin trái phép lên mạng; Điều khiển bí mật bất hợp pháp máy tính, mạng máy tính; Tấn công trang web, tìm kiếm sử dụng thông tin thẻ tín dụng để mua bán phần mềm, ship hàng qua mạng; Rao tin chuyên bán bằng cấp, giấy tờ, chứng chỉ giả trên mạng… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại, tội phạm công nghệ cao dùng thủ đoạn như: lập topic để đăng bán hàng trên mạng, chỉ định tài khoản để chuyển tiền nhưng sau đó không chuyển hàng hoặc chuyển hàng không đúng chủng loại và chất lượng để chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng còn sử dụng các thiết bị, phần mềm chuyên dụng tấn công vào các website bán hàng trực tuyến để cản trờ, dò lấy mật khẩu, tài khoản của khách hàng để quảng cáo, bán kiếm lời hoặc rao bán lại tài khoàn trên mạng cho người khác, gây thiệt hại cho khách hàng và uy tín các doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các đối tượng thường sử dụng máy tính đột nhập vào cơ sở dữ liệu của ngân hàng lưu trữ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… để làm thẻ tín dụng giả nhằm rút tiền từ máy ATM, trả tiền cho các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, mua hàng, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến… Ngoài ra, các đối tượng này còn mua lại các thông tin thẻ tín dụng của các tội phạm công nghệ cao khác để bán kiếm tiền chênh lệch, gây thiệt hại lớn cho chủ tài khoản.

Mạng xã hội như Facebook, Twitter… cũng là mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm công nghệ cao kiếm lợi bất chính. Các đối tượng giả làm người nước ngoài làm quen với nhiều phụ nữ trên mạng xã hội, sau đó tặng quà gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Để nhận được món quà này, đối tượng sẽ gọi điện giả làm nhân viên hải quan của sân bay yêu cầu nạn nhân nộp tiền phí hoặc tiền thuế qua một tài khoản cho sẵn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn lập các website, kho ứng dụng cho điện thoại di động, máy tính bảng với nhiều ứng dụng rất “hot” nhằm lừa người sử dụng mạng xã hội click vào để chiếm đoạt tiền của họ. Nguy hiểm hơn, ẩn trong các link ứng dụng này có thể là các mã độc có khả năng gửi tin nhắn về tổng đài để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người sử dụng và đánh cắp các dữ liệu như: ảnh, video, danh bạ, tin nhắn, thông tin về tài khoản Facebook, E-mail, tài khoản ngân hàng… của người bị hại.

Thông qua mạng xã hội, tội phạm công nghệ cao còn có thủ đoạn đánh cắp mật khẩu, tài khoản Facebook của người dùng sau đó nhờ mua thẻ cào điện thoại của các nhà mạng với nhiều lý do khác nhau nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Một đại án “đình đám” vừa được phát giác mới đây tại Việt Nam cũng được hé lộ từ một vụ lừa thẻ cào điện thoại, đó là vụ án khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Phan Sào Nam - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online và Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an về hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin điều tra, ngày 25/5/2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo của bà Võ Minh Phương (ở phường Nông Trang, TP. Việt Trì) về việc ngày 16/5/2017, bà Phương bị một đối tượng sử dụng nick facebook để lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng. Ngay sau đó, công an Tỉnh đã lập chuyên án đấu tranh, đến ngày 26/7/2017 xác minh, bắt giữ đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997, ở tỉnh Quảng Trị) là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương. Huy khai nhận, sau khi chiếm đoạt tài sản của bà Phương, Huy đổi thành tiền ảo để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.

Tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án, Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh điều tra phối hợp với Cục An ninh mạng – Bộ Công an tiến hành khám xét, bắt giữ các đối tượng cầm đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet, trong đó có Phan Sào Nam và Nguyễn Thanh Hóa. Theo thông tin điều tra, cơ quan chức năng đã thu khoảng 1.300 tỷ đồng và số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài khoảng 3,6 triệu USD trong vụ đại án này.