Toyota Giải Phóng không phải bồi thường cho khách hàng bị hại

.

Ngày 13/11, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra phán quyết cuối cùng về vụ việc một nhân viên của Công ty Liên doanh Toyota Giải Phóng (TGP) lừa đảo 18 khách hàng.

 Cụ thể, tòa án đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Trọng Hải mức án 20 năm tù với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công tố, Đỗ Trọng Hải đã lợi dụng tín nhiệm để “hứa hẹn” bán xe cho 18 khách hàng với thời gian nhanh nhất, thủ tục thuận tiện nhất. Với thủ đoạn này, Hải đã lừa được tổng cộng 3,4 tỷ đồng và hơn 54.000 USD.

Tại tòa, Hải đã đưa ra lời xin lỗi các nạn nhân của mình và đề nghị TGP bồi thường cho khách hàng bị hại số tiền hơn 400 triệu đồng Hải đã nộp cho công ty.

Về vấn đề bồi thường, hội đồng xét xử cho rằng các tình tiết của vụ việc không cho thấy đủ căn cứ để yêu cầu TGP bồi thường thiệt hại cho khách hàng mà chỉ yêu cầu công ty này khắc phục những thiếu sót trong quá trình hoạt động.

Mặc dù không phải chịu trách nhiệm pháp lý với khách hàng nhưng ngay sau phán quyết của tòa án, lãnh đạo TGP bày tỏ mong muốn hỗ trợ một phần thiệt hại cho khách hàng.

“Chúng tôi rất mong muốn được ngồi lại với khách hàng để thực hiện cam kết hỗ trợ đối với họ, giúp cho vụ việc nhanh chóng kết thúc và tránh tổn hại thêm cho cả hai bên”, Phó tổng giám đốc TGP Lê Minh Quang, bày tỏ quan điểm.

Trở lại vụ việc diễn ra từ đầu năm 2008. Do tại thời điểm đầu năm 2008 cũng là trước tết nguyên đán nhiều nhà sản xuất ôtô trong nước rơi vào tình trạng thiếu xe giao cho khách hàng, trong đó có Toyota, nên Đỗ Trọng Hải (khi đó còn là nhân viên của TGP) đã nhận tổng số tiền đặt cọc hơn 4 tỷ đồng của 18 khách hàng với lời hứa giao xe ngay.

Tuy nhiên, khi hết hạn giao xe theo cam kết với Hải mà không thấy công ty giao xe, các khách hàng đã liên hệ với Hải nhưng không được. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, ngày 31/1, các khách hàng này đã trực tiếp đến trụ sở TGP trên đường Giải Phóng để đòi công ty này giao xe.

Khi sự việc vỡ lở, Đỗ Trọng Hải đã đến cơ quan công an đầu thú.

Trong nhiều ngày sau đó, giữa đại diện TGP và 18 khách hàng đã xảy ra nhiều mẫu thuẫn căng thẳng do bất đồng quan điểm về vấn đề đền bù thiệt hại. Trong đó đa số khách hàng bị hại cho rằng do Đỗ Trọng Hải khi đó vẫn là nhân viên của TGP, viết giấy biên nhận và thực hiện giao dịch ngay trong trụ sở TGP nên TGP phải có trách nhiệm.

Ngược lại, đại diện TGP lại cho rằng các giao dịch của Hải không đúng quy tắc hoạt động của công ty, các giấy tờ Hải giao dịch với khách hàng không có dấu và chữ ký của lãnh đạo công ty nên không thể đại diện cho công ty, vì vậy không có trách nhiệm bồi thường.

Theo Đức Thọ - VnEconomy