TP. Hồ Chí Minh: Hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp

Theo Vĩnh - Dương/congthuong.vn

Phát biểu tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh khóa IX diễn ra sáng ngày 5/12, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động tín dụng đen đang diễn ra rất phức tạp.

Cho vay nóng, không cần thế chấp là những chiếc bẫy của hoạt động tín dụng đen
Cho vay nóng, không cần thế chấp là những chiếc bẫy của hoạt động tín dụng đen

Đánh giá về tính nguy hại của hoạt động tín dụng đen, ông Minh cho rằng, do các hoạt động cho vay ngoài điều chỉnh của pháp luật nên viêc thu hồi nợ phát sinh tranh chấp, có hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nhẹ nhất là xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con nợ và thân nhân con nợ, nặng hơn là cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản và nặng nhất là giết người.

“Trong năm 2018, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra ít nhất 3 vụ giết người, nguyên nhân do mâu thuẫn khi cho vay trái pháp luật và đòi nợ không được”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh hiện đã xác nhận 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và có vi phạm về lãi suất. Trong đó, hơn 2/3 là người không phải cư trú ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các đối tượng này không ít người đang bị điều tra, truy nã, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào hoạt động.

Công an TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm về hoạt động tín dụng không phép hoặc vi phạm về lãi suất trong năm 2018. Tuy nhiên, ông Minh đánh giá, hầu hết các đối tượng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử phạt vi phạm không đáng kể.

Năm 2018, Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an quận Bình Tân đang củng cố hồ sơ để khởi tố 4 nhóm với tội danh cho vay lãi suất cao, riêng Công an quận Tân Phú đã khởi tố 2 vụ cho vay lãi suất cao. Trong các vụ án liên quan đến tín dụng đen diễn ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Công an thành phố cũng đã khởi tố về tội tàng trữ vũ khí quân dụng.

Hoạt đồng tín dụng đen đang lộng hành gây bất an cho xã hội, tuy nhiên việc xử lý còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, trước năm 2018, theo Bộ Luật Hình sự cũ, gần như không có vụ cho vay lãi suất cao nào có thể xử lý được, vì luật quy định sự việc phải có “tính chất bóc lột” mới định tội được. Đặc biệt, việc xác định “tính chất bóc lột” là rất khó nên không xử được đối tượng.

Từ năm 2018, quy định mới trong việc xử lý các đối tượng cho vay lãi suất cao, quy định lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất của Luật Dân sự (khoảng 8,3%/tháng) là đủ định tội. Tuy nhiên quy định pháp luật vẫn còn nhiều khe hở khiến việc xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi gặp khó khăn. “Chẳng hạn như trường hợp thu lợi bất chính hơn 30 triệu đồng có thể bị cải tạo không giam giữ nhưng không được bắt giữ, thu lợi trên 100 triệu đồng có thể bị phạt tới 3 năm tù nhưng không được tạm giam…”, ông Minh dẫn chứng.

Trong hoạt động tín dụng đen ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều địa phương nói chung, nạn nhân của các đối tượng thường sợ bị trả thù nên ít hợp tác với cơ quan chức năng trong việc trình báo sự việc. Đây là một trong những hạn chế đối với lực lượng công an trong việc điều tra, xác minh để xử lý tội phạm trong lĩnh vực này.