Tràn lan mỹ phẩm giả, người tiêu dùng "lãnh" đủ

Theo Vân Khánh/baodansinh.vn

Mỹ phẩm trở thành sản phẩm không thể thiếu của nhiều chị em phụ nữ. Bên cạnh những sản phẩm làm đẹp của các hãng uy tín, trên thị trường những sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả bày bán tràn lan và công khai khiến nhiều chị em rước họa vào thân.

Mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bán tràn lan. Nguồn: internet
Mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bán tràn lan. Nguồn: internet

Tại khu chợ Nhà Xanh trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy (Hà Nội), nơi thu hút rất đông sinh viên của các trường đại học đóng trên địa bàn luôn tấp nập kẻ bán người mua. Các mặt hàng bày bán ở đây khá đa dạng, trong đó mặt hàng mỹ phẩm luôn thu hút nhiều bạn trẻ. Từ son, phấn, nước hoa, kem làm trắng da,… dãn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đều được bày bán công khai.

Chỉ với vài chục nghìn đồng, người tiêu dùng có thể sở hữu những thỏi son của các thương hiệu nổi tiếng. Mức giá này rẻ bằng 1/10, thậm chí là 1/15 mức giá do chính nhà sản xuất đưa ra. Theo giải thích cả những người bán hàng nơi đây, sở dĩ sản phẩm ở đây bán giá rẻ vì là hàng fake và có chất lượng tương đương sản phẩm chính hãng! Còn chất lượng thật của sản phẩm như thế nào, chỉ người sản xuất ra những lô mỹ phẩm này mới biết được.

Nguyễn Thị Thu Trang, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, không chỉ Trang mà nhiều bạn thường xuyên mua mỹ phẩm tại chợ này. “Mỹ phẩm ở đây giá rẻ nên hợp với sinh viên. Nhãn mác toàn của các thương hiệu nổi tiếng, còn về chất lượng thì bọn em chỉ biết: Son tô lên màu, kem trắng da bôi lên trắng hơn trước là được”, Trang chia sẻ.

Đánh vào tâm lý sính nhãn mác thương hiệu nổi tiếng lại giá rẻ nên mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm nhái, giả bán tràn lan và được nhiều người chọn mua. Điều đáng nói, không chỉ khu chợ tập trung đông sinh viên mà ngay tất cả chợ dân sinh, khu phố, chợ đêm… mỹ phẩm nhái, không rõ nguồn gốc đều được bán công khai.

Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về da, nặng hơn sẽ suy thân, gây tổn hại sức khỏe. Bác sỹ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp (chủ yếu là phụ nữ trẻ và trung niên) vào viện khám, điều trị do “hậu quả” của việc sử dụng mỹ phẩm.

Điểm chung của các trường hợp này thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Trường hợp nhẹ bị dị ứng da thường có biểu hiển ngứa nhiều, còn kích ứng thì vùng da bị bỏng rát…

Ngoài ra, các bệnh nhân thường nhập viện muộn, đã có triệu chứng viêm da từ trước đó khá lâu nhưng thường tìm cách tự xử lý, đến khi biến chứng nặng, da bị bỏng rát không chịu được nữa mới vào viện. “Nhiều bệnh nhân nếu không khai thác tiền sử bệnh thì không biết được nguyên nhân nên khó điều trị. Có những bệnh nhân khi chúng tôi hỏi bệnh rằng có dùng mỹ phẩm gì không thì khăng khăng trả lời là không, nhưng sau đó nhập viện thì mới khai ra là dùng loại này, loại kia” – bác sỹ Vũ Thái Hà nói.

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đa số trường hợp bị viêm da cấp tính do phản ứng phụ hoặc biến chứng của việc sử dụng mỹ phẩm, kem trộn làm trắng da, sáng da… thường là dùng mỹ phẩm trôi nổi, tự chế hoặc lạm dụng mỹ phẩm trong thời gian dài.

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn lậu mỹ phẩm hàng nhái, hàng giả. Điều đáng nói, theo lời khai của các đối tượng, những lô hàng này không chỉ được bán tại các chợ dân sinh, mạng xã hội mà còn được đưa vào các cửa hàng, tiệm spa.

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chỉ cần công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời chỉ cần cam kết không có những chất cấm, không được sử dụng là có thể được hoạt động. Việc tạo sự thông thoáng cho doanh có những mặt trái, bất cập, trong đó có những sai phạm trong công tác quản lý như: Công thức trong mỹ phẩm không đúng với đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, bản thân chính sách cũng có lỗ hổng. Ví dụ như, việc áp dụng hậu kiểm theo cam kết hội nhập thế giới dẫn tới việc các doanh nghiệp cứ tung sản phẩm ra thị trường, khi phát hiện ra sản phẩm giả thì đã thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng: “Người dân đang chịu thiệt thòi trăm bề từ việc tin vào những mỹ phẩm quảng cáo của nhiều hãng nổi tiếng, nhưng thực chất, là đang dùng phải hàng giả, hàng nhái".