Tranh chấp gia tăng, hòa giải thương mại vẫn tự phát

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh về hòa giải thương mại, hoạt động hòa giải thương mại thời gian qua được tiến hành một cách tự phát bởi các luật sư, trọng tài viên nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Đáng chú ý, ước tính có khoảng 4% doanh nghiệp vẫn đang lựa chọn “xã hội đen” để xử lý các tranh chấp thương mại.

Khoảng 4% doanh nghiệp vẫn đang lựa chọn “xã hội đen” để xử lý các tranh chấp thương mại. Nguồn: Internet
Khoảng 4% doanh nghiệp vẫn đang lựa chọn “xã hội đen” để xử lý các tranh chấp thương mại. Nguồn: Internet

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: “Chúng ta nói môi trường kinh doanh không chỉ nói tới quy định pháp lý, thủ tục mà còn phải nói cơ chế hòa giải tranh chấp. Tranh chấp trong thương mại không giải quyết được hoặc chậm trễ, làm sao môi trường kinh doanh cải thiện tốt?”.

Doanh nghiệp nhờ... “xã hội đen”

Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2010 với nhiều quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam, góp phần giảm tải hoạt động xét xử của tòa án.

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài còn thấp.

Trong khi đó, thực tiễn hoạt động kinh doanh, thương mại những năm qua cho thấy nhu cầu giải quyết tranh chấp đang ngày càng đa dạng và có chiều hướng gia tăng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trên thực tế, một số tổ chức, doanh nghiệp (DN) đã sử dụng phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp của mình trước khi lựa chọn tòa án hoặc trọng tài. Tuy nhiên, do chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh về hòa giải thương mại, hoạt động hòa giải thương mại trong thời gian qua được tiến hành một cách tự phát bởi các luật sư, trọng tài viên nên tính chuyên nghiệp chưa cao.

Ông Dũng cho biết hiện nay, DN vẫn sử dụng các kênh xử lý tranh chấp thương mại như: thông qua tòa án, trọng tài, xử lý hành chính. Các phương pháp này có lúc xử lý nhanh, có lúc chậm, chưa kể xử lý xong DN không tâm phục, khẩu phục.

Ts. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, đánh giá Singapore trở thành nơi thu hút đầu tư lớn trên thế giới, tăng chỉ số về minh bạch quốc gia vì làm tốt công tác hòa giải thương mại. Trong khi đó, tại Việt Nam, hòa giải thương mại không phải là phương thức giải quyết tranh chấp được đề cập đến.

Thậm chí, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), dẫn lại con số trích ra từ Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI 2016) về các phương thức thay thế được DN lựa chọn cho phương thức tòa án truyền thống, cho thấy có 4% DN vẫn đang lựa chọn sử dụng các phương thức khác – mà một phần ở đây là nhờ tới “xã hội đen”.

Tranh chấp gia tăng, hòa giải thương mại vẫn tự phát - Ảnh 1

Mới có 47% số DN muốn nhờ trọng tài để giải quyết tranh chấp

Muốn hấp dẫn, phải tiết kiệm

Theo ông Huỳnh, ngày xưa đâm chém, đòi nợ thuê chỉ nằm trong phim ảnh, vì vậy đây thực sự là điều đáng lo cho xã hội nói chung và là trách nhiệm của những tổ chức có liên quan nói riêng. Nền kinh tế phát triển nhưng xã hội cũng phải văn minh và bền vững.

Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh này, hòa giải thương mại là phương thức cần được quan tâm.

Tuy nhiên, bà Nina Mocheva, chuyên gia tài chính cấp cao, Ngân hàng Thế giới, cho rằng để sử dụng các quá trình hòa giải thương mại, DN cần có sự hỗ trợ của các trọng tài viên có năng lực. Điều này đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực hòa giải thương mại.

Theo bà Nina Mocheva, kinh nghiệm của nhóm Ngân hàng Thế giới về hòa giải thương mại ở nhiều quốc gia cho thấy khi bắt đầu áp dụng hòa giải thương mại, cộng đồng những người làm luật có thể miễn cưỡng, tuy nhiên cần thời gian để vượt qua sự ngần ngại và do dự này. Phương pháp này tại Việt Nam đang ở giai đoạn “trứng nước”, do đó quan trọng là phải xây dựng được uy tín, khẳng định được vị thế.

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh các tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều và phức tạp hơn, hòa giải thương mại được dự đoán sẽ trở thành biện pháp giải quyết tranh chấp phổ biến cho các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nếu sử dụng hòa giải sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho các bên.