5 lưu ý khi đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước nạn sao chép trái pháp luật, doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN) như điều kiện bảo hộ, chủ thể đăng ký, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, nguyên tắc ưu tiên,…

Quyền sở hữu KDCN được xác lập dựa trên quyết định cấp văn bằng bảo hộ (VBBH) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật SHTT), hoặc dựa trên công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo kinh nghiệm của PLF, các doanh nghiệp cần lưu ý đến những vấn đề cơ bản khi đăng ký sở hữu trí tuệ đối với KDCN như sau:

Thứ nhất, về điều kiện bảo hộ: Theo quy định của Luật SHTT, KDCN chỉ được bảo hộ khi đáp ứng đủ các điều kiện về tính mới, tính sáng tạo, và khả năng áp dụng công nghiệp.

Thứ hai, chủ thể có quyền đăng ký KDCN bao gồm: (i) tác giả, nếu tác giả tự đầu tư kinh phí, công sức của mình để tạo ra KDCN; (ii) tổ chức, cá nhân giao việc, đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả hoặc ký hợp đồng thuê việc với tác giả (trừ trường hợp có thoả thuận khác); hoặc (iii) nhà nước, trong trường hợp có sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật và kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Thứ ba, về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên: Trường hợp nhiều đơn của nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký các KDCN trùng hoặc không quá khác biệt với nhau, VBBH chỉ được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng đủ điều kiện để được cấp VBBH. Trong trường hợp các đơn đăng ký đáp ứng đủ điều kiện đều có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì VBBH chỉ được cấp cho 1 đơn duy nhất dựa trên sự thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không đạt được thoả thuận thì tất cả các đơn đều sẽ bị từ chối cấp VBBH.

Thứ tư, về nguyên tắc ưu tiên: Người nộp đơn đăng ký KDCN có quyền yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể quy định tại Luật SHTT, hoặc trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra được nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.

Thứ năm, về quyền sử dụng cùng KDCN của chủ thể không đăng ký bảo hộ: Nếu người nộp đơn đăng ký  KDCN phát hiện có người sử dụng kiểu dáng đó nhằm mục đích thương mại trước ngày nộp đơn đăng ký KDCN thì có 2 trường hợp xảy ra:

(1)  Người nộp đơn đăng ký  KDCN có quyền thông báo cho người này biết về việc đã nộp đơn đăng ký và yêu cầu họ chấm dứt hành vi sử dụng KDCN. Nếu họ vẫn tiếp tục sử dụng, thì khi bằng độc quyền KDCN được cấp, chủ sở hữu KDCN có quyền yêu cầu người đã sử dụng KDCN trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng KDCN đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.

(2) Trường hợp trước ngày đơn đăng ký KDCN được công bố, có chủ thể khác sử dụng KDCN do chính mình độc lập tạo ra nhưng có tính đồng nhất với KDCN trong đơn đăng ký thì sau khi VBBH được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng KDCN trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu KDCN được bảo hộ. Tuy nhiên, họ không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu KDCN cho phép; đồng thời không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác (trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng KDCN).