Bị kỷ luật khiển trách, nâng lương thế nào?

Luật sư Lê Văn Đài - Văn phòng Luật sư Khánh Hưng

(Tài chính) Ông Nguyễn Công Chính (vpdkkh@...) là giáo viên, có quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên vào ngày 1/12/2009, ngày 1/12/2012 ông Chính đến hạn nâng bậc lương thường xuyên, nhưng năm 2011 ông bị kỷ luật khiển trách. Ông Chính hỏi, trường hợp của ông sẽ kéo dài thời gian nâng lương theo Nghị định số 76/2009/NĐ-CP hay theo Luật Viên chức năm 2012?

Vào thời điểm năm 2011 ông Nguyễn Công Chính bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, theo quy định tại khoản 3, Điều 1, Nghị định số 76/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì bị kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên thêm 6 tháng so với thời gian quy định.

Từ ngày 1/1/2012, Luật Viên chức có hiệu lực thi hành. Tại khoản 1, Điều 56 Luật này quy định, viên chức bị khiển trách thì thời hạn nâng bậc lương lương thường xuyên bị kéo dài thêm 3 tháng.

Trường hợp ông Nguyễn Công Chính, với nguyên tắc văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực, vào thời điểm ông Chính bị xử lý kỷ luật khiển trách áp dụng quy định tại khoản 3, Điều 1, Nghị định số 76/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ông Chính bị kéo dài thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên thêm 6 tháng so với thời gian quy định. Theo đó, đến ngày 1/6/2013 ông Chính mới được xét nâng bậc lương.

Luật Viên chức được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, tại khoản 1, Điều 56 Luật này quy định trường hợp viên chức bị kỷ luật khiển trách thì thời hạn nâng lương thường xuyên bị kéo dài 3 tháng. Như vậy, quy định trách nhiệm pháp lý tại điều, khoản này của Luật Viên chức nhẹ hơn so với quy định tại  văn bản vào thời điểm ông Chính có hành vi bị xử lý kỷ luật khiển trách.

Tại khoản 4, Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

Theo luật sư, căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đơn vị nơi ông Chính công tác có thể xem xét áp dụng quy định mới tại khoản 1, Điều 56 Luật Viên chức đối với trường hợp của ông Chính.