Bổ sung chế tài xử phạt vi phạm trong bán hàng đa cấp

PV. (Tổng hợp)

Bán hàng đa cấp là một trong những loại hình kinh doanh mới mẻ tại Việt Nam. Thời gian qua, xuất hiện những biến tướng, trá hình đã tạo nên cách nhìn chưa toàn diện, đầy đủ, thậm chí đôi khi khá tiêu cực, mất lòng tin của cộng đồng xã hội về hình thức kinh doanh này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nghị định số 141/2018/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp; KKhông thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mua lại hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 141/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định ở trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định trên, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc cải chính công khai; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm...
Để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP đã bổ sung mức phạt từ 20-25 triệu đồng đối với cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị phạt.
Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Đồng thời, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng.
Bán hàng đa cấp là một hình thức phân phối hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia, tiếp thị gồm nhiều cấp khác nhau, hàng hóa được người tham gia tiếp thị trực tiếp bán cho người tiêu dùng, thông qua đó người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích khác từ kết quả hoạt động tiếp thị bán hàng của mình. 
Thời gian qua, sự xuất hiện đồng thời của những biến tướng, trá hình trong bán hàng đa cấp đã tạo nên cách nhìn chưa toàn diện, đầy đủ, thậm chí đôi khi khá tiêu cực, mất lòng tin của cộng đồng xã hội và đang bị xã hội lên án gay gắt.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc sửa đổi, bổ sung thêm các quy định mới được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế được những tiêu cực lâu nay từ hoạt động bán hàng đa cấp.

Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.