Cảnh báo gian lận thuế trong thu mua nông sản xuất khẩu

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Mua đắt bán rẻ nhưng vẫn thu lợi nhuận nhờ chính sách hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT), một cá nhân thuê người thành lập nhiều công ty con mua bán hàng hóa trên hóa đơn để được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT… là các hình thức gian lận thuế vừa được Hiệp hội Cà phê-Ca cao, Hồ tiêu cảnh báo.

Thu hoạch cà phê.
Thu hoạch cà phê.

Nhiều hình thức gian lận thuế

Theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (VICOFA), hiện đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước thu mua cà phê giá cao hơn giá thị trường 700 - 1.000 đồng/kg rồi bán lại với giá thấp hơn hoặc bằng giá thị trường nhưng vẫn thu được lợi nhuận.

Các DN này mua cà phê từ nông dân, cơ sở, đại lý thu mua cà phê mà không có hóa đơn, chứng từ. Nếu tính giá thị trường hiện giờ là 40.000 đồng/kg cà phê, mức thuế GTGT DN thu mua phải chịu là 5%, tương ứng số tiền 2.000 đồng/kg, tính ra giá DN mua gồm giá thành cộng với tiền thuế phải chịu là 42.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bằng hình thức mua trốn thuế nên dù những DN này có mua giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng là 41.000 đồng/kg rồi sau đó bán lại cho DN xuất khẩu giá 40.000 đồng/kg vẫn lãi 1.000 đồng/kg vì DN xuất khẩu phải trả thêm 5% thuế GTGT/kg (2.000 đồng/kg) cho DN thu mua. Do cà phê nhân xuất khẩu được hoàn thuế GTGT nên sau khi xuất hàng, DN xuất khẩu được hoàn trả số thuế này, kết quả là Nhà nước thất thu.

Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, vừa qua đã phát hiện tình trạng một số DN, cá nhân lợi dụng chính sách thông thoáng và việc tự in hóa đơn theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP nhằm sử dụng hóa đơn để khấu trừ thuế GTGT đầu vào và trốn thuế, gian lận thuế. Cụ thể, một số DN cà phê tại Lâm Đồng mua cà phê trên hóa đơn (không có hàng hóa thật) của DN TP. Hồ Chí Minh rồi tiếp tục xuất hóa đơn khống trị giá hàng chục tỷ đồng cho DN khác, thông qua đó gian lận, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Thụ- Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cảnh báo tình trạng một chủ DN thuê người “đẻ” ra nhiều DN con đóng ở các thành phố lớn để mua lại tiêu từ các cơ sở, đại lý trong vùng nguyên liệu. Những DN con đó vừa được hưởng gia hạn nộp thuế GTGT, vừa mua được nhiều tiêu bán cho DN xuất khẩu lấy lợi nhuận. Đến thời hạn nộp thuế, các DN “con” này lấy lý do khó khăn phải nợ thuế nên tuyên bố phá sản hoặc trường hợp phổ biến hơn là DN biến mất khỏi nơi đăng kí.

“Lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu, một số công ty đã lập hồ sơ xuất khẩu khống, bằng cách lập nhiều DN “ma” làm các hợp đồng mua bán, rồi xuất các hóa đơn khống để lập bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế”, ông Nguyễn Đức Thụ cho biết.

Nguy cơ phá hoại xuất khẩu

Theo ông Lương Văn Tự  - Chủ tịch VICOFA, tình trạng nhiều DN “mua giá cao, bán giá thấp vẫn lãi ” như kể trên vừa gây thất thu thuế cho Nhà nước vừa tiềm ẩn nguy cơ phá hoại xuất khẩu. Nguyên nhân là do người nông dân chắc chắn sẽ bán cho bên mua giá cao hơn và không có gì đảm bảo DN thu mua bán ra tất cả cà phê mua được cho DN xuất khẩu.

“Đây có thể là hình thức đầu cơ găm hàng chờ giá, rất dễ dẫn đến việc DN xuất khẩu khó kiếm hàng, cuối cùng phải mua giá cao từ họ để kịp thực hiện hợp đồng. Lúc này, DN xuất khẩu không hề có lãi, thậm chí là lỗ”, ông Lương Văn Tự nói.

VICOFA cho biết đã thông tin lên cơ quan quản lý thị trường ở các vùng nguyên liệu kiểm soát chặt việc DN thu mua cà phê, nhất là DN có dấu hiệu “mua cao, bán thấp” không hóa đơn, chứng từ. Hiệp hội này cũng đồng thời liên kết với cơ quan thuế, nếu phát hiện DN vi phạm sẽ xử phạt thật nặng, có thể rút giấy phép kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Thụ cho biết việc tồn tại các DN “ma” trong ngành hồ tiêu đang rất phổ biến tại khu vực huyện Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu), Lâm Đồng, Đắc Nông … Và có hiện tượng các DN này liên kết với thương lái Trung Quốc để xuất hàng theo đường tiểu ngạch, việc này có thể gây ra tình trạng thiếu hàng xuất khẩu và bị thương nhân nước ngoài ép giá.

“Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do thủ tục thành lập DN quá dễ dãi, mà công tác hậu kiểm lại kém. Chỉ cần cầm giấy chứng minh nhân dân là có thể thành lập DN, đăng ký mã số thuế, tự in hóa đơn”, ông Nguyễn Đức Thụ nhận định.

Báo cáo của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết việc xử lý vi phạm về gian lận thuế của các DN cà phê ngoài tỉnh là rất khó khăn. Đơn vị này đề nghị Tổng cục Thuế cùng các cục thuế liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các DN có liên quan đến đường dây mua bán lòng vòng để xác định khâu nào không có hàng hóa thật mà dùng hóa đơn bất hợp pháp. Ngoài ra, đề nghị các Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Gia Lai, Đắc lắc, Đắc Nông... tiến hành kiểm tra rà soát toàn bộ các DN, cá nhân có hoạt động mua bán cà phê trên địa bàn để phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.