Chế tài với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đạt chỉ tiêu an toàn tài chính

Theo mof.gov.vn

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 87/2017/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Đặc biệt, Thông tư này quy định rõ trường hợp kiểm soát đặc biệt và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán khi không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối tượng áp dụng của Thông tư số 87/2017/TT-BTC là các công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán (CTCK) nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là CTCK), công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là công ty quản lý quỹ); và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư số 87/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính hoặc đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận dưới 120%.

Thứ hai, không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn 12tháng quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này.

Thứ ba, không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong 02 kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không thực hiện kiểm toán hoặc soát xét báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư này.

Thứ tư, báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số các chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.

Thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá 04 tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Trừ trường hợp bị kiểm soát đặc biệt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16, sau thời hạn 02 tháng kể từ ngày bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Sở giao dịch Chứng khoán thực hiện đình chỉ một phần hoạt động giao dịch cho khách hàng của CTCK thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Việc đình chỉ hoạt động giao dịch của Sở giao dịch Chứng khoán kết thúc khi CTCK được UBCKNN quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt. Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động giao dịch của CTCK thành viên thực hiện theo quy chế của Sở giao dịch Chứng khoán.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 03 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều này, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp (chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán) đạt mức 50% vốn điều lệ trở lên thì bị đình chỉ hoạt động. Trình tự, thủ tục thực hiện việc đình chỉ hoạt động thực hiện theo quy định về tổ chức và hoạt động của CTCK, công ty quản lý quỹ.

Sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều này, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp (chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán) dưới 50% vốn điều lệ hoặc không bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (DN), pháp luật về phá sản DN thì UBCKNN yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán tạm ngừng hoạt động.

Trong vòng 24 giờ, kể từ khi yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán tạm ngừng hoạt động, UBCKNN công bố thông tin về việc này trên trang thông tin điện tử của UBCKNN. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của UBCKNN về việc tạm ngừng hoạt động, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải công bố thông tin về việc tạm ngừng hoạt động, các vấn đề có liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán được cấp phép trong thời gian tạm ngừng hoạt động trên trang thông tin điện tử của tổ chức kinh doanh chứng khoán và của Sở giao dịch Chứng khoán, đồng thời hoàn tất thủ tục tạm ngừng hoạt động theo quy định của pháp luật về DN và các quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành.

Việc tạm ngừng hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán quy định tại khoản 6 Điều này kéo dài cho tới khi: Tổ chức kinh doanh chứng khoán có tỷ lệ vốn khả dụng đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều này; hoặc Tổ chức kinh doanh chứng khoán hợp nhất, sáp nhập với tổ chức kinh doanh chứng khoán khác, hoặc giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật về DN, pháp luật về phá sản DN và các quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành.

Về phương án khắc phục tình trạng kiểm soát đặc biệt, Thông tư số 87/2017/TT-BTC quy định rõ, trong thời hạn tối đa 07 ngày kể từ ngày UBCKNN ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải gửi UBCKNN báo cáo chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục.

Phương án khắc phục phải được xây dựng cho 02 năm kế tiếp, có lộ trình, điều kiện, thời hạn và kế hoạch thực hiện chi tiết tới hàng tháng, quý. UBCKNN có quyền yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán điều chỉnh phương án khắc phục tại bất cứ thời điểm nào nếu xét thấy là không khả thi, không phù hợp với điều kiện thị trường hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật.

Phương án khắc phục bao gồm những biện pháp sau: Bán các tài sản có mức độ rủi ro cao; Hạn chế, ngừng mua cổ phiếu quỹ; Thu hồi nợ; bán lại cổ phần, phần vốn góp cho chủ nợ; Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý DN; Tổ chức lại bộ máy quản lý, nhân sự, cắt giảm nhân viên; Thu hẹp phạm vi và địa bàn hoạt động; đóng cửa một số chi nhánh, phòng giao dịch; Rút bớt nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; Dừng việc chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận; Thực hiện tăng vốn theo quy định của pháp luật; Hợp nhất, sáp nhập với tổ chức kinh doanh chứng khoán cùng ngành nghề, cùng loại theo quy định của pháp luật...