Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, giải quyết chế độ người lao động thế nào?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bà Nguyễn Thị Yến (Ninh Bình) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 10/2010 đến tháng 12/2012 Ngày 8/12/2012 bà Yến sinh con. Công ty nơi bà Yến làm việc đã ngừng hoạt động kể từ tháng 1/2013 và chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn nhưng doanh nghiệp chưa làm thủ tục phá sản. Bà Yến đã đến đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ thai sản từ tháng 12/2012 đến nay nhưng chưa được giải quyết.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ tại BHXH Đồng Nai. Nguồn: internet
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ tại BHXH Đồng Nai. Nguồn: internet

Ông Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình trả lời bà Nguyễn Thị Yến  như sau:

Về đóng BHXH, Điểm a, Khoản 1, Điều 92 Luật BHXH quy định: Hàng tháng người sử dụng lao động đóng BHXH bằng 3% quỹ tiền lương, tiền công vào quỹ ốm đau và thai sản; trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ chế đô ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và thực hiện quyết toán hàng quý với tổ chức BHXH.

Về giải quyết chi trả tiền trợ cấp thai sản, Điều 117 Luật BHXH quy định thời gian, quy trình, trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe như sau:

- Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.

- Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho tổ chức BHXH theo quy định.

- Tổ chức BHXH có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. 

Trước khi nghỉ sinh con, bà Yến làm việc, đóng BHXH tại doanh nghiệp. Như vậy, trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp giải quyết, chi trả tiền trợ cấp thai sản (sinh con) cho bà Yến thuộc đơn vị doanh nghiệp mà bà Yến đã tham gia đóng BHXH bắt buộc (thanh toán từ nguồn tiền BHXH 2% Công ty được giữ lại như Luật BHXH đã quy định).

Nếu số tiền chi trả trong quý cho người lao động phát sinh lớn hơn số tiền 2% đơn vị được giữ lại trong quý, cơ quan BHXH thực hiện cấp bù số chênh lệch thiếu vào tháng đầu quý sau cho đơn vị khi đơn vị lập và chuyển Danh sách thanh toán chế độ ốm đau, thai sản dưỡng sức phục hồi sức khỏe đến cơ quan BHXH.

Nhưng thực tế, theo bà Yến, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn từ tháng 1/2013 (ngay sau tháng bà Yến nghỉ thai sản) do đó "chủ doanh nghiệp" chưa thực hiện giải quyết và chi trả tiền trợ cấp thai sản cho bà.

Đồng thời cho đến thời điểm hiện tại chủ doanh nghiệp cũng chưa lập Danh sách người hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 4, Điều 113 Luật BHXH (cụ thể là Danh sách thanh toán chế độ ốm đau, thai sản dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu số C70a-HD) theo quy định của Thông tư số 178/2012/TT-BTC ngày 23/10/2012 của Bộ Tài chính) nộp về cơ quan BHXH để quyết toán theo quy định, nên hiện tại nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH.

Quyền lợi của người lao động, nếu chưa được hưởng thì sẽ được hưởng

Về hướng giải quyết, theo nguyên tắc: Quyền lợi chính đáng của người lao động, nếu chưa được hưởng thì chắc chắn sẽ được hưởng. Nếu vượt quá thẩm quyền, cơ quan BHXH các cấp có trách nhiệm báo cáo các cấp, ngành có trách nhiệm, đề xuất phương án xử lý đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. 

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam tại văn bản số 2871/BHXH-BT ngày 25/7/2013 về triển khai các biện pháp xử lý nợ BHXH, BHYT. BHXH tỉnh Ninh Bình đã tổng hợp đầy đủ tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn và đơn vị, doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn báo cáo BHXH Việt Nam để phối hợp với các Bộ, ngành xử lý theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt đề nghị bà Yến thường xuyên tra cứu thông tin trên Trang thông tin điện tử của BHXH Ninh Bình tại địa chỉ www.bhxhninhbinh.gov.vn, hoặc cán bộ tại bộ phận 1 cửa của BHXH thành phố Ninh Bình sẽ thông báo đến địa chỉ mà bà đăng ký, để được hướng dẫn thực hiện ngay sau khi có văn bản của BHXH Việt Nam. Đồng thời đề nghị bà Yến tiếp tục liên hệ với doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp hoạt động trở lại, bà nộp chứng từ, hồ sơ cho Công ty để đề nghị giải quyết chế độ thai sản theo quy định.