Cơ quan điều tra vào cuộc vụ 150 tỷ đồng tại SeABank

Theo báo Đất Việt

Việc lùm xùm quanh chuyện sếp ngân hàng SeABank ký bảo lãnh phát hành 150 tỷ đồng nhưng nay lại cho rằng trái luật. Cơ quan điều tra đang vào cuộc để làm rõ.

Cơ quan điều tra vào cuộc vụ 150 tỷ đồng tại SeABank
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo khẳng định của SeABank, việc bà Nguyễn Thị Hương Giang ký chứng thư bảo lãnh trái phép là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật, đang được cơ quan điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng đòi sáng tỏ

Cụ thể, ngân hàng này cho biết, trong thời gian giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc Chi nhánh Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Hương Giang đã ký nhiều chứng thư bảo lãnh cho các doanh nghiệp vượt quá thẩm quyền và không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Ngân hàng và quy định chung của pháp luật.

Các đơn vị nhận bảo lãnh bao gồm: CTCP Máy Thiết bị Dầu khí (PV Machino), Công ty TNHH Máy xây dựng VITRAC, Công ty TNHH Vật tư Tổng hợp Long Biên, CTCP Vận tải và Thương mại VEAM, Ban quản lý Dự án công trình giao thông Yên Bái – Sở GTVT tỉnh Yên Bái, Chi nhánh CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Công trình tại Hà Nội, BIDV Tây Hồ, và Công ty Vinaconex  – Viettel.

Trước đó, nhiều đơn vị có liên quan đã gửi thư tố cáo đến Cơ quan điều tra để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật – SeABank cho hay.

Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội đã thụ lý hồ sơ vụ việc để làm rõ những sai phạm của bà Nguyễn Thị Hương Giang trong thời gian giữ chức vụ tại SeABank.

Sau khi phát hiện những bảo lãnh trái phép trên, SeABank đã xem xét hồ sơ vụ việc và đã báo cáo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Hà Nội đồng thời hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ sai phạm của bà Nguyễn Thị Hương Giang.

“Về sự việc ký bảo lãnh phát hành trái phiếu cho một số đơn vị khác không đúng pháp luật (vượt thẩm quyền, không đúng thủ tục) là sai phạm thuộc trách nhiệm cá nhân của bà Nguyễn Thị Hương Giang” – thông cáo của SeABank nhấn mạnh.

Ngân hàng này cho biết, sẽ không chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch trái pháp luật do bà Giang thực hiện.

Doanh nghiệp muốn làm rõ

Ngược lại, về phía Vinaconex Viettel (VVF) lại cho rằng việc SeABank  đã ký chứng thư là hợp lệ. Do vậy SeABank phải có nghĩa vụ dân sự với hợp đồng.

Tại buổi họp báo do VVF tổ chức ngày 28/11, đơn vị này đã khẳng định VVF không quy kết trách nhiệm hình sự được đối với pháp nhân (SeABank) nhưng có thể quy kết trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Song trách nhiệm đối với cam kết dân sự thì pháp nhân không thể từ chối được.

Theo Luật sư Hoàng Thanh Sơn, đồng thời là người đại diện phát ngôn của VVF đã khẳng định, việc ủy quyền của bà Thủy cho bà Giang là phù hợp với quy định pháp luật của Luật TCTD liên quan đến quyền của TGĐ và tương đương; và hợp đồng ủy quyền này là hoàn toàn có giá trị pháp lý.

Với quan điểm này, VVF đã gửi tới SeABank văn bản với nội dung yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh, thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp cho một tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam phát hành ngày 19/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang – nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc SeABank Hai Bà Trưng ký phát hành (bà Giang đã bị miễn nhiệm ngày 28/4/2012).