Công nghệ thông tin: Giải pháp hữu hiệu phòng, chống rửa tiền lĩnh vực ngân hàng

N. Ánh

Tội phạm rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng là một trong những vấn đề nhức nhối đối với các tổ chức tín dụng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng.

Công nghệ thông tin: Giải pháp hữu hiệu phòng, chống rửa tiền lĩnh vực ngân hàng.
Công nghệ thông tin: Giải pháp hữu hiệu phòng, chống rửa tiền lĩnh vực ngân hàng.

“Rửa tiền” được định nghĩa đơn giản là hoạt động mà tội phạm tiến hành để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của những đồng tiền phi pháp. Hoạt động rửa tiền là hành vi hợp thức hoá những khoản tiền thu được từ hoạt động tội phạm. Mục đích của hoạt động này là tạo ra một khoảng cách xa nhất giữa tài sản bất hợp pháp và chủ sở hữu những tài sản đó. Đối tượng hoạt động rửa tiền được nhận định bao gồm những cá nhân và pháp nhân tham gia vào quá trình “rửa tiền” với mong muốn hợp pháp hoá tiền và tài sản có được từ hoạt động tội phạm và sử dụng tài sản đó.

Tội phạm rửa tiền có thể thực hiện hành vi phạm pháp của chúng thông qua nhiều kênh như: bất động sản, mua tài sản có giá trị lớn, trò chơi có thưởng… Tuy nhiên, tội phạm rửa tiền qua hệ thống ngân hàng trên thế giới vẫn đang là hình thức phổ biến và phức tạp. Bởi vậy, hoạt động phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố trong các giao dịch ở ngân hàng đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong suốt 20 năm qua.

Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế được nhận định là phát triển nhanh cùng với sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn, nhưng lại thiếu các quy định chặt chẽ về lưu thông tiền mặt. Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC), chính vì lý do trên mà Việt Nam là quốc gia dễ bị lợi dụng để thực hiện hoạt động rửa tiền bậc nhất. Do đó, trong môi trường hội nhập hiện nay, các hoạt động phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố càng phải được các ngân hàng trong nước đặt lên hàng đầu.

Với xu hướng toàn cầu hóa, các ngân hàng trong nước không ngừng mở rộng hoạt động, thiết lập quan hệ với nhiều định chế tài chính trên thế giới, việc tăng cường công tác quản lý, tuân thủ phòng, chống rửa tiền là hết sức cần thiết. Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, trong hoạt động ngân hàng, công tác phòng, chống rửa tiền với công nghệ hiện đại, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền của các nhà băng.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ngân hàng chưa thật sự quan tâm đến việc đào tạo nâng cao nhận thức về phòng, chống rửa tiền; nhân viên công nghệ thông tin chưa hiểu rõ về phòng, chống rửa tiền nên còn lúng túng trong việc lựa chọn phần mềm để sử dụng trong ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng chưa quan tâm đến mục tiêu đảm bảo an toàn giao dịch hoặc sử dụng phần mềm phòng, chống rửa tiền sai mục đích.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin chính là mấu chốt trong phòng, chống rửa tiền. Đây là một “cuộc chiến” về ứng dụng công nghệ thông tin giữa một bên là những đối tượng lợi dụng hệ thống ngân hàng để rửa tiền và bên kia là những người chống rửa tiền.

Hệ thống công nghệ thông tin giúp các ngân hàng nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng; sàng lọc khách hàng theo các danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách PEP, danh sách cấm vận; phát hiện và cảnh báo giao dịch đáng ngờ; xác định nguồn gốc khách hàng…

Do đó, các ngân hàng cần tự phòng vệ bằng cách nâng cấp hệ thống theo dõi các giao dịch từ ứng dụng trong công nghệ thông tin. Hệ thống công nghệ thông tin cần được đồng bộ hóa và nâng cấp tại các ngân hàng theo hướng đáp ứng quy định của pháp luật, phân tích giao dịch, khách hàng, hỗ trợ sàng lọc, nhận biết khách hàng, báo cáo, lưu trữ thông tin…

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng, để hoạt động chống rửa tiền đạt hiệu quả cao thì các ngân hàng được phép thực hiện chuyển tiền điện tử quốc tế phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử và phải có hệ thống phần mềm để lọc và phân tích các giao dịch, nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền và ngăn ngừa các rủi ro khác.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần nghiên cứu các quy định, chuẩn mực quốc tế về vấn đề này và điều kiện thực tế ngân hàng để xây dựng quy định nội bộ phù hợp, đạt hiệu quả cao… Đồng thời, các ngân hàng cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là nhân viên có giao dịch trực tiếp với khách hàng.

Ngoài ra, cần nghiên cứu đến việc tăng chế tài, tiền phạt đối với các cơ quan tài chính không tuân thủ quy định báo cáo giao dịch đáng ngờ, thiết lập hình phạt nặng với cán bộ và nhân viên vi phạm.

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động rửa tiền qua ngân hàng của bọn tội phạm rất đa dạng, phức tạp, qua nhiều công đoạn. Vì vậy, vấn đề phòng chống rửa tiền không chỉ là hoạt động riêng của bất kỳ ngân hàng nào mà cần đến sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, giữa ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại và giữa các phòng ban trong nội bộ ngân hàng thương mại.