Cựu Chủ tịch Dược Viễn Đông nhận thêm tội danh mới

Theo Đầu tư Chứng khoán

Ông Lê Văn Dũng, cựu Chủ tịch Dược phẩm Viễn Đông (DVD) hiện đang thực thi án tù 4 năm vì tội thao túng giá chứng khoán, nay lại tiếp tục bị truy tố với tội danh mới là “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Cựu Chủ tịch Dược Viễn Đông nhận thêm tội danh mới
DVD đã ngừng hoạt động từ tháng 10/2011
Theo đó, Viện KSND Tối cao đã truy tố ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) DVD cùng 6 bị can về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo cáo trạng, khoảng tháng 3/2010, do cần tiền đáo hạn khoản vay 100 tỷ đồng tại Ngân hàng An Bình, ông Dũng đã chỉ đạo cầm cố hơn 600.000 cổ phiếu DVD thuộc sở hữu của mình và 540.000 cổ phiếu của Đào Xuân Hưởng (thành viên HĐQT DVD kiêm Tổng giám đốc CTCP Liên doanh LiLi of France (LOF) - công ty con của DVD) đang lưu ký tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt. Để hoàn thiện hồ sơ vay vốn và giải ngân, bị can Dũng đã chỉ đạo cấp dưới là Cao Hồng Vân (Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng DVD) xây dựng hồ sơ vay vốn cho cá nhân  Dũng và Hưởng.

Theo quy định của ngân hàng, để được giải ngân thì hồ sơ phải có các tài liệu gồm: Biên bản họp HĐQT DVD về việc đồng ý nhận góp vốn của Dũng và Hưởng, Hợp đồng góp vốn, phụ lục hợp đồng góp vốn do Dũng và Hưởng ký với đại diện của DVD và mở tài khoản tiền vay cá nhân của hai người nói trên. Cao Hồng Vân đã làm giả chữ ký của Đào Xuân Hưởng để mở tài khoản cá nhân và tự tạo 2 biên bản họp HĐQT DVD đồng ý nhận vốn góp tổng cộng khoảng 50 tỷ đồng của Đào Xuân Hưởng và 60 tỷ đồng của Lê Văn Dũng, làm giả các hợp đồng góp vốn theo nội dung của biên bản nói trên. Tin tưởng vào bộ hồ sơ giả này, Ngân hàng An Bình đã giải ngân cho Dũng 34 tỷ đồng, giải ngân cho Hưởng 27 tỷ đồng, sau đó số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của DVD.

Cũng trong năm 2010, để tiếp tục đáo hạn cho khoản vay 100 tỷ đồng nói trên, vào tháng 9/2010, Lê Văn Dũng và Cao Hồng Vân tìm cách vay vốn của Ngân hàng Tiên Phong. Dũng đề nghị Ngân hàng Tiên Phong cho LOF vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. LOF là công ty con của DVD và do Dũng làm Chủ tịch HĐQT, DVD chiếm 97% vốn điều lệ của LOF. Ngân hàng Tiên Phong đã tổ chức một đoàn công tác gồm một số lãnh đạo và nhân viên làm việc trực tiếp tại Nhà máy LiLi of Fance tại Bắc Ninh và sau đó cấp hạn mức tín dụng 20 tỷ đồng cho LOF.

Để được giải ngân, Cao Hồng Vân đã chỉ đạo một số nhân viên gồm Lương Thị Thủy (Kế toán trưởng LOF), Hoàng Thị Nhung (kế toán DVD), Nguyễn Thị Chinh (Trưởng ban Kiểm soát DVD), Hoa Triệu Long (nhân viên Phòng Thiết kế DVD) làm giả 2 hợp đồng mua bán với Công ty TNHH Thực phẩm Châu Úc, xuất khống hóa đơn GTGT, giả chữ ký của lãnh đạo Công ty Thực phẩm Châu Úc. Đồng thời làm giả 1 hợp đồng mua bán với Công ty Dược phẩm Savi, giả chữ ký của giám đốc công ty này và con dấu nhằm mục đích lừa dối Ngân hàng Tiên Phong. Với 3 hợp đồng này, Ngân hàng Tiên Phong đã giải ngân tổng cộng 83,5 tỷ đồng. Như vậy, 2 ngân hàng đã giải ngân cho DVD vay 144,5 tỷ đồng. Sau đó, DVD mất khả năng thanh toán.

Trước đó, bị can Lê Văn Dũng đã bị TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử và kết án vào ngày 30/12/2011 về tội "thao túng giá chứng khoán" cùng 3 đồng phạm là ông Lê Minh Truyền (Tiền Giang), Lê Văn Mạnh (Thanh Hóa, em trai ông Dũng) và Nguyễn Văn Việt (Phú Thọ). Đây cũng là 4 người đầu tiên bị xử lý hình sự về tội "thao túng giá chứng khoán" kể từ khi tội danh này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 1/1/2010.

Trong vụ án đó, Tòa án nhận định, trong quá trình truy tố, xét xử, ông Dũng tỏ ra thành khẩn, ăn năn, nên xem xét giảm nhẹ hình phạt và tuyên 4 năm tù, ông Mạnh nhận 2 năm tù, ông Truyền chịu 12 tháng tù treo, ông Việt lĩnh 12 tháng 26 ngày tù và được trả tự do ngay tại tòa vì bằng thời hạn tạm giam.

Lê Văn Dũng hiện vẫn đang phải thi hành bản án 4 năm tù. Với việc bị truy tố thêm theo quy định tại khoản 3 Điều 267 Bộ luật Hình sự về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, ông này có khả năng nhận thêm án phạt từ 4 - 7 năm tù giam.

Tháng 8/2011, theo đơn yêu cầu của Ngân hàng ANZ Việt Nam - một trong những chủ nợ của DVD, TAND TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định cho phép mở thủ tục phá sản đối với DVD.

Được niêm yết vào cuối năm 2009, đến tháng 9/2011, cổ phiếu DVD bị hủy niêm yết tại HOSE do vi phạm hàng loạt quy định về công bố thông tin. DVD tuyên bố chính thức ngừng hoạt động vào tháng 10/2011.

Được biết, vụ án này đang được chuẩn bị để đưa ra xét xử tại TAND TP. Hà Nội.