Để ngăn chặn tình trạng chạy án

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Phải đặt đúng vị trí của Hội thẩm nhân dân với tư cách là người đại diện cho nhân dân. Đồng thời phải có cơ chế bảo đảm sự độc lập để hội thẩm nhân dân tham gia xét xử trong một vụ án cụ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định như vậy mới đảm bảo tính khách quan trong hoạt động xét xử, hạn chế tối đa tình trạng chạy án đang nhức nhối hiện nay.

Điều 79, dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân quy định, “Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Toà án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân;… Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Tòa án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do…”.

Về thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm, Điều 81 dự thảo quy định: “Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần Hội thẩm đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 80 của Luật này để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Hội thẩm nhân dân.

Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân cùng cấp sau khi thống nhất với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp”.

Thảo luận dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân ở hội trường (27/8), đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) đề nghị cần ghi đúng cụm từ “Hội thẩm nhân dân”, không nên ghi “hội thẩm”, để phân biệt hội thẩm nhân dân không phải là biên chế của tòa án mà là Hội thẩm nhân dân được bầu ra thông qua HĐND. 

Theo ông Lý, một trong những đặc trưng của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Bản thân chế định Hội thẩm nhân dân là sự thể hiện tư tưởng lấy dân làm gốc, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính khách quan trong xét xử phải có cơ chế bảo đảm cho Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ độc lập. Bởi nếu tiếp tục cơ chế do "Chánh án phân công" như hiện nay thì tình trạng chạy án sẽ khó mà ngăn chặn được, công lý khó mà được bảo đảm. Và quy định như vậy cũng không phù hợp với vị trí, vai trò của Hội thẩm nhân dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

Đánh giá cao việc dự thảo đã dành nguyên Chương VIII nói về Hội thẩm nhân dân, trong đó quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, trách nhiệm, điều kiện làm việc và tổ chức Đoàn hội thẩm, song ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng quy định tổ chức của hội thẩm, đoàn hội thẩm, cần nghiên cứu thêm theo hướng tạo cơ chế để bảo đảm tính khách quan trong xét xử.

Do đó, phải đặt đúng vị trí của Hội thẩm nhân dân với tư cách là người đại diện cho nhân dân để tham gia xét xử trong một vụ án cụ thể. Chỉ như vậy mới có thể góp phần hạn chế tối đa tình trạng chạy án đang là vấn đề quan ngại nhất hiện nay.

Theo đại biểu Hùng: Hội thẩm nhân dân do HĐND bầu ra trên cơ sở đề nghị của Ủy ban MTTQ và yêu cầu của Tòa án nhân dân. Chính vì vậy cần “giao HĐND trực tiếp quản lý hoạt động của Hội thẩm nhân dân và Đoàn Hội thẩm nhân dân”.

Đồng thời, Luật cần quy định rõ việc tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân do Chủ tịch HĐND cử theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp.

Theo đó, đề nghị của Chánh án chỉ là đề nghị chung theo yêu cầu xét xử của tòa, chứ không đề nghị đích danh Hội thẩm nhân dân nào tham gia xét xử. Việc phân công cụ thể Hội thẩm nhân dân nào tham gia vụ án thuộc thẩm quyền của Đoàn hội thẩm. Như vậy sẽ bảo đảm tính khách quan hơn.

Còn về chế độ, chính sách, về cơ sở vật chất đối với Hội thẩm nhân dân và Đoàn hội thẩm nhân dân sẽ do HĐND bảo đảm. Về chính sáchchuyên môn, nghiệp vụ đối với Hội thẩm nhân dân sẽ do Đoàn Hội thẩm nhân dân bảo đảm.

Đại biểu Hùng cho rằng, với những quy định như trên không chỉ giúp Hội thẩm nhân dân thực hiện được nhiệm vụ độc lập hơn trong xét xử, mà còn tăng cường hơn vai trò giám sát của cơ quan dân cử trong hoạt động xét xử. Đồng thời, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân sẽ được đề cao hơn, rõ ràng hơn, độc lập hơn và theo đúng hướng cải cách tư pháp.