Đề xuất thành lập “Ban thi hành án” Vinashin

Theo Báo Thanh Niên

Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng có thể cân nhắc thành lập ở cấp trung ương Ban chỉ đạo những vụ thi hành án lớn, phức tạp, tầm cỡ như Vinashin.

Đề xuất thành lập “Ban thi hành án” Vinashin

Tại Hội nghị Triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2013, bà Vũ Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo - Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, cho biết vụ án Vinashin có số lượng tài sản lớn, tập trung ở nhiều địa phương nên việc thi hành án gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quy định hiện nay, cả nước có gần 700 đơn vị THADS cấp huyện và 63 đơn vị cấp tỉnh, chưa có cấp trung ương. Điều này khiến việc thi hành những bản án lớn, có quy mô rộng, tài sản nằm rải rác gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bản án phúc thẩm được Tòa án Nhân dân tối cao tuyên hồi tháng 8/2012, các bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinashin phải bồi thường số tiền lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

Trong đó Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc) và Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin-Vinashinlines) phải liên đới bồi thường cho Vinashinlines mỗi bị cáo hơn 495 tỷ đồng. Ngoài ra, Phạm Thanh Bình và một số bị can khác phải bồi thường cho nhiều công ty khác nhau số tiền hàng chục tỷ đồng.

“Từ kinh nghiệm thành lập Ban Chỉ đạo Epco - Minh Phụng có thể cân nhắc việc thành lập ở cấp trung ương Ban chỉ đạo để chỉ đạo những vụ việc thi hành án lớn, phức tạp, có tầm cỡ như vụ Vinashin”, bà Dung đề xuất.