Điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa

Luật sư Trần Văn Toàn - Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội)

(Tài chính) Năm 2001, ông Trương Quốc Thành có nhận chuyển nhượng 1 thửa đất, diện tích 5.279 m2, loại đất trồng lúa 2 vụ/năm, chủ cũ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/1/1997, nhưng đến nay ông chưa làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất. Nay, ông Thành có thể làm thủ tục đăng ký biến động, chuyển quyền sử dụng đất được không?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Thành như sau:

Theo thông tin ông Trương Quốc Thành cung cấp, được biết năm 2001 ông có nhận chuyển nhượng một thửa đất diện tích 5.279 m2, loại đất trồng lúa 2 vụ/năm, chủ cũ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 10/1/1997. Đến nay ông chưa làm thủ tục đăng ký biến động, sang tên quyền sử dụng đất.

Khoản 3, khoản 4, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Theo quy định đó, nếu ông Thành không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Trường hợp đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu ông Thành không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó thì ông cũng không được nhận chuyển nhượng.

Điều kiện chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất

Theo Luật Đất đai 2013 quy định:

- Trừ trường hợp quy định tại Điều 191 của Luật này, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (điểm b, khoản 1 Điều 169).

- Người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện quyền (khoản 1, Điều 168).

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã (điểm a, điểm d,  khoản 3 Điều 167)

- Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động (điểm a, khoản 4; khoản 5; khoản 6 Điều 95).

- Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất có quy định thời hạn là thời gian sử dụng đất còn lại của thời hạn sử dụng đất trước khi nhận chuyển quyền sử dụng đất (khoản 1, Điều 128).

- Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ (Điều 130).

- Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (khoản 2, Điều 134).

Nếu ông Thành trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Trường hợp đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng mà ông Thành sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó thì ông được nhận chuyển nhượng. Nếu còn thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền, diện tích đất không vượt quá hạn mức chuyển nhượng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi đăng ký biến động đất đai, thì ông Thành sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (mẫu mới) thay cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chủ cũ trước đây.

Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận

Theo khoản 2, Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định như sau:

Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 mà bên nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ có Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất theo quy định thì thực hiện theo quy định như sau:

- Người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện có;

- Văn phòng đăng ký đất đai thông báo bằng văn bản cho bên chuyển quyền và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển quyền. Trường hợp không rõ địa chỉ của người chuyển quyền để thông báo thì phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương ba số liên tiếp (chi phí đăng tin do người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trả);

- Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo hoặc đăng tin lần đầu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương mà không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp không nộp Giấy chứng nhận để làm thủ tục đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới cho bên nhận chuyển quyền.

Trường hợp có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn các bên nộp đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định.