Dự án Hesco Văn Quán: Chủ đầu tư có dấu hiệu lừa dối, bán “vịt dời” cho khách hàng?

Theo Pháp Lý

Dự án Trung tâm Thương mại – Chung cư cao tầng Hesco – Megastar (Dự án Hesco), được thực hiện bởi Công ty CP bất động sản Megastar (Công ty Megastar). Tuy nhiên, sau gần 2 năm khởi công, hiện, tiền của khách hàng bị chủ đầu tư “ngâm”, dự án cũng không được triển khai.

Dự án Hesco Văn Quán: Chủ đầu tư có dấu hiệu lừa dối, bán “vịt dời” cho khách hàng?
Dự án Hesco vẫn chưa thực hiện

Cú lừa ngoạn mục?

Để móc được hầu bao của khách hàng, Công ty Megastar đã đưa ra hình thức “ưu tiên mua nhà hình thành trong tương lai của dự án” khiến nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ, tin tưởng rót tiền cho Dự án. Tuy nhiên từ khi huy động vốn đến nay khách hàng vẫn chưa thấy chủ đầu tư có bất cứ động thái nào triển khai dự án. Bà Nguyễn Thị Tiên Duyên trú tại (Thành Công, Ba Đình) cho biết: “Sau khi nghe những lời đường mật từ phía chủ đầu tư giới thiệu dự án, giá cả lại phải chăng nên tôi đã ký cho chủ đầu tư vay hơn 500 triệu, bằng 30% giá trị sản phẩm hình thành trong tương lai mà không hề nghĩ ngợi nhiều để giờ đây nhà thì không xây còn tiền bị ngâm gần hai năm mà giờ không đòi lại được”.

Cũng giống như chị Duyên, chị Phạm Thu Hằng và anh trai Phạm Hồng Thắng cũng đăng ký mua căn hộ tại Dự án Hesco Văn Quán nhưng đến nay “tiền đã trao, mà cháo chẳng thấy đâu”. Chị Hằng bức xúc: “Anh trai tôi có nhu cầu mua nhà ở thật và đã đăng ký mua căn hộ với diện tích 87 m2 với giá mua trên hợp đồng là 17,8 triệu đồng/ m2 nhưng phải mua chênh lên 19,8 triệu đồng/ m2 và đóng góp bằng 30% giá trị trên tổng số tiền căn hộ. Tổng số tiền chúng tôi phải đóng trước đã lên tới 605 triệu đồng. Đây thực sự là số tiền lớn và để có số tiền đóng góp này, chúng tôi phải đi vay ngân hàng nhưng sau gần 2 năm, dự án vẫn nằm im bất động”.

Dự án Trung tâm thương mại, Văn phòng, Chung cư cao tầng Hesco là một trong những dự án trọng điểm nhà chung cư cho người có thu nhập trung bình khá, nằm trong chủ trương, kế hoạch phát triển đô thị về phía Tây của Hà Nội. Dự án gồm 1 toà tháp đôi 50 tầng và toà nhà 45 tầng, căn hộ chung cư với 3 loại diện tích. Dự án có tổng diện tích 21.294,7m2. Trong đó diện tích xây dựng các công trình công cộng (nhà trẻ, hội trường, khu vui chơi…), quảng trường, và diện tích dành cho giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, bãi đỗ xe chiếm chiếm đến gần 11.000m2…
Để có thể thuyết phục khách hàng, trước đó, Công ty Megastar đã đưa ra báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc nghiên cứu, đề xuất phương án đề nghị được tiếp tục triển khai dự án của một số nhà đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có đề xuất UBND TP xem xét, chấp thuận nhưng là chấp thuận đưa dự án này vào danh mục các dự án đề xuất tiếp tục triển khai đợt 2 của công tác rà soát các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội mở rộng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sau đó UBND TP.Hà Nội đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc với đề xuất trên.

Rất nhiều nhà đầu tư đã nhầm lẫn khi đọc các văn bản này hiểu nhầm rằng dự án đã được UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho phép xây dựng, trong khi thực tế phải đợi xem xét rà soát đợt 2 mới biết có được phép triển khai hay không. Tinh vi hơn, chủ đầu tư Megastar đã đi trước một bước khi ký các hợp đồng cung cấp điện, nước, phòng cháy chữa cháy… để rồi đưa vào tập hồ sơ pháp lý cho nhà đầu tư như thể dự án đã được chấp thuận và ung dung xây dựng một dự án hoàn hảo trong mơ. Với một vỏ bọc hoàn hảo, khách hàng không mảy may suy nghĩ về tính chất pháp lý của dự án và đã nộp tiền đến 30% nhiều nhà đầu tư  đến nay đều mất ăn, mất ngủ bởi dự án đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng theo tiến độ…

“Phải thừa nhận năng lực của công ty là yếu kém”

Đó là lời khẳng định của ông Trần Lê Nghĩa, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty Megastar khi trao đổi với phóng viên về lý do sau gần 2 năm mà dự án vẫn chưa được triển khai. Ông Nghĩa lý giải: “Công nhận dự án là chậm nhưng do nhiều nguyên nhân như: Phía công ty đã chủ quan nên không lường trước được những khó khăn đó, thêm đó thị trường bất động sản ảm đạm và từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội nên nhiều dự án bị dừng lại để rà soát xem có hợp với quy hoạch chung của Thủ đô không?…”

Cùng quan điểm với ông Nghĩa, ông Trần Đức Hạnh, Phó TGĐ Công ty Megastar, cũng khẳng định: Đúng là dự án chậm tiến độ, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì đó là mặt bằng chung tại nhiều dự án. Thời điểm này nếu khách hàng muốn rút cũng được nhưng cũng phải… xếp hàng chờ. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng như cam kết với khách hàng ghi rõ trong hợp đồng và trả lại bằng sản phẩm. Từ nay đến đến hết tháng 12/2012 chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng xong tầng hầm. Khi đó mọi hợp đồng vay vốn sẽ được chuyển thành hợp đồng mua bán theo đúng luật định.

Tại hợp đồng vay vốn số 19/10/2010 giữa Công ty Megastar (Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Long kí) và bà Nguyễn Thị Tiên Duyên; Phụ lục số 01 – Tiến độ chuyển tiền cho vay, ghi rõ: đợt 1 chuyển 30% giá trị hợp đồng (498 triệu đồng). Chiếu theo điểm D, khoản 3, điều 9 – Huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP (… chủ đầu tư chỉ được phân chia tối đa cho các hình thức huy động vốn không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án…) thì Công ty Megastar đã huy động vốn của nhà đầu tư “vênh” tới 10%. Còn trong “Hợp đồng vay vốn ký giữa anh Phạm Hồng Thắng và Công ty CP Đầu tư Phát triển và thương mại Hạ Long (là đơn vị được Công ty Megastar ủy quyền để ký “Hợp đồng vay vốn” – PV) ghi: “Sự kiện bất khả kháng là những việc xảy ra do khách quan không lường trước và không thể kiểm soát bao gồm những giới hạn các trường hợp: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, động đất, chính sách, pháp luật của Nhà nước thay đổi…Bất kỳ việc không thực hiện hay chậm trễ thực hiện Hợp đồng nào do bất khả kháng đều không coi là vi phạm hợp đồng…”. Như vậy, Công ty Megastar đã không giữ đúng những cam kế với khách hàng trong việc thực hiện dự án này. Khi khách hàng có nhu cầu đòi lại số tiền góp vốn thì Công ty Megastar lại “nại” ra nhiều lý do để từ chối.

Được biết, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4465/VPCP-KTN ngày 4/7/2011 thông báo đồng ý về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai dứ án Hesco. Như vậy dự án đến ngày 4/7/2011 mới được đồng ý về mặt nguyên tắc nhưng Cty Megastar đã tiến hành làm hợp đồng vay vốn với khách hàng và chào bán dự án Hesco từ  năm 2010 là có “dấu hiệu” lừa dối khách hàng để chiếm dụng vốn trái luật.

Từ những dự án mà Công ty Megastar đang thực hiện có thể nhận thấy đây là một chủ đầu tư không đủ năng lực. Bên cạnh đó, nghiêm trọng hơn, nhiều nhà đầu tư đã đầu tư hàng tỷ đồng suốt nhiều năm trời vào những dự án “ma”. Điều này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ, có hay không hành vi lừa đảo khách hàng của Công ty Megasta? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tiếp đến bạn đọc về vụ việc.