Dự án thu hồi đất để xây dựng khu đô thị thương mại ở Diễn Châu (Nghệ An): Dân “nhịn đói”… Ai “ăn no”?

Theo Tạp chí Pháp Lý

Thực hiện chủ trương xây dựng Khu công nghiệp, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định số 1104/QĐ-UBND-CN ngày 31/03/2006 giao cho UBND huyện Diễn Châu thực hiện nhiệm vụ khảo sát, lựa chọn địa điểm quy hoạch. Trên tinh thần đó, UBND huyện Diễn Châu đã khảo sát, lập quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp nhỏ tại cánh đồng lúa Sác Du, xã Diễn Kỷ huyện Diễn Châu.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, UBND tỉnh Nghệ An lại không xây dựng Khu công nghiệp như dự tính ban đầu mà lại ra quyết định số 7053/UBND-CN ngày 23/10/2009 chuyển sang xây dựng Khu đô thị thương mại và dịch vụ tổng hợp tại xã Diễn Kỷ.

Để thực hiện được dự án xây dựng Khu đô thị mới, UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH Tâm Trí Mạnh “khảo sát lựa chọn địa điểm lập quy hoạch xây dựng Soloon ôtô, trạm bảo hành và mua bán phụ tùng ôtô các loại tại xã Diễn Kỷ”. Theo quyết định số 2385/QĐ-UBND ngày 14/12/2009 của UBND huyện Diễn Châu thì Công ty TNHH Tâm Trí Mạnh được sử dụng 15.067,65m2 với tổng giá trị bồi thường hỗ trợ về đất là 760.916.300 đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 2612/QĐ-UBND-ĐT ngày 17/07/2010 giao cho Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ Hợp tác lao động (OLECO) thực hiện bồi thường, hỗ trợ, GPMB. Theo quyết định số 418/QĐ-UBND của UBND huyện Diễn Châu ngày 18/03/2011 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị thương mại và dịch vụ tổng hợp tại xã Diễn Kỷ thì Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ Hợp tác lao động (OLECO) sẽ tiến hành thu hồi 333.546,6m2 với số tiền bồi thường, hỗ trợ đất đai là 17.045.898.912 đồng.

Như vậy, hai đơn vị nói trên đã thu hồi 348.614,12 m2 (tương đương 34,9ha) và tổng tiền bồi thường của hai công ty cho chủ sở hữu đất là 17.806.815.212 đồng. Đi cùng chủ trương trên, UBND huyện Diễn Châu cũng ra quyết định “khi thu hồi đất, UBND xã Diễn Kỷ được hưởng quyền lợi và được thực hiện các nghĩa vụ theo quy định”.  Và theo hồ sơ đền bù, hỗ trợ về đất thì chỉ có hai đối tượng được hưởng tiền là hộ ông Ngô Sỹ Sự (được 34.335.600 đồng) và UBND xã Diễn Kỷ được hưởng toàn bộ số tiền hơn 17 tỉ đồng còn lại.

Tại sao hàng trăm hộ dân là những người trực tiếp cải tạo đất suốt hơn 20 năm qua không được hưởng quyền lợi từ việc đền bù mà chỉ có hộ gia đình ông Ngô Sỹ Sự và UBND xã Diễn Kỷ được hưởng?
Theo ý kiến của ông Lương – một cựu chiến binh và những người dân, cánh đồng Sác Du này có lịch sử lâu đời, do chính tay họ cải tạo từ đất nhiễm mặn mà thành. Từ những năm trước năm 1993, đất được chia cho nhân dân sử dụng, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. “Những năm sau đó, chúng tôi có đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp cho Nhà nước. Thế nhưng không hiểu vì sao Cán bộ địa chính xã lại cho rằng: “đất này là đất nhiễm mặn, không cho năng suất”. Điều này là vô lý, bởi mỗi vụ chúng tôi đều thu hoạch được trên 3tạ/sào, với tổng diện tích hơn 30 ha này, chúng tôi thu được hàng tỉ đồng mỗi năm”.

Theo như tìm hiểu của Phóng viên thì toàn bộ diện tích đất mà UBND tỉnh Nghệ An giao cho UBND huyện Diễn Châu thu hồi thực hiện dự án là đất 5%. Theo đó, UBND xã là đại diện chủ sở hữu đất. UBND xã cho các hộ dân thuê lại, sản xuất từ  năm 1993 đến khi bị thu hồi. Điều đáng nói ở đây là diện tích đất 5% tại Diễn Kỳ quá lớn, vượt mức quy định. Đáng lẽ ra đất này phải giao cho người dân sử dụng theo các điều được quy định tại Luật đất đai năm 2003 chứ không thể để tình trạng sau khi thu hồi người dân không còn đất sản xuất và không có công ăn việc làm mới.

Còn về việc hỗ trợ đất, đứng trước những thiệt thòi quá lớn về quyền lợi của mình, một số người dân có gặp và yêu cầu ông Lê Hồng Quảng – Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ giải đáp. Theo trình bày của ông Lương, ông Quảng không những không giải thích mà con tuyên bố: “Không trả xu nào cả”. Vì sao lại có chuyện bất công như vậy? Để hiểu rõ thực hư sự việc, Phóng viên đã hai lần đến UBND xã Diễn Kỷ liên hệ gặp Chủ tịch xã nhưng không gặp được vì lý do: “Ông Quảng bị “đau bụng” không lên cơ quan”.

Thay vào đó, ông Ngô Đình Ngoan – Cán bộ văn phòng xã khẳng định: Theo quy định thì Nhà nước không hỗ trợ đối với các hộ nói trên, song Lãnh đạo UBND xã đã làm đơn gửi cấp huyện xin hỗ trợ 20.000 đồng/1m2. Trong đó Ngân sách xã hỗ trợ 17.500 đồng từ nguồn đền bù đất 5%. Còn 2.500 đồng do Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ Hợp tác lao động (OLECO) hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân bằng một vụ sản xuất cấy lúa”. Nếu tính như vậy, bài toàn đơn giản này hẳn ai cũng hiểu. Thử làm một bài toán đơn giản, người ta cũng dễ dàng nhận ra số tiền 20.000 đồng nhân với tổng diện tích đất sẽ bằng hơn 6 tỉ. Vậy là dân được hưởng một khoản nhỏ, toàn bộ khoản tiền lớn còn lại được đưa vào Ngân sách xã?

Thế nhưng, khi trả tiền cho người dân, nhiều chiêu trò mới lại được bày ra. “Ban đầu chúng tôi không nhận tiền nhưng vì ông Quảng dọa rằng nếu không nhận, chính quyền sẽ chuyển tiền vào kho bạc, lúc đó không được lấy tiền thì đừng có khiếu nại. Với câu nói đó, chúng tôi sợ vừa mất đất, vừa mất tiền nên đành nhắm mắt ký tên vào giấy nhận tiền. Nhưng chúng tôi cũng không nhận được đủ số tiền mà UBND xã thông báo. Lên xã hỏi thì được biết, số tiền thiếu là do trừ vào số tiền thuê Công an về bảo vệ tiền?

Không riêng gì ông Lương, chị Thủy mà nhiều người khác trong xã đều tỏ ra bức xúc và không khỏi nghi ngờ liệu có mờ ám, khuất tất trong việc đền bù, hỗ trợ về đất. Trước những bức xúc của dân, trong văn bản trả lời công dân của UBND huyện Diễn Châu do ông Tăng Văn Luyện – Phó Chủ tịch UBND ký đã thừa nhận: “Quá trình chuyển đổi quy hoạch từ Khu công nghiệp nhỏ sang Khu đô thị và thương mại dịch vụ tổng hợp, các cấp có thẩm quyền thực hiện chưa đầy đủ quy trình dân chủ cơ sở trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong xã… Trách nhiệm này thuộc về các phòng chức năng của UBND huyện mà cụ thể là Phòng Tài nguyên – Môi trường và Phòng Công thương trong công tác tham mưu, thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo…”. Qua trao đổi với Phóng viên, ông Phạm Xuân Sánh – Chánh văn phòng UBND huyện Diễn Châu cho biết, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ra văn bản yêu cầu các cấp, các ngành vào cuộc để sớm có câu trả lời cho công dân.

Với cách làm của Lãnh đạo chính quyền xã Diễn Kỷ, người ta dễ dàng nhận ra ai đang được hưởng lợi và người dân chắc chắn đang chịu nhiều thiệt thòi. Rồi đây, người dân sẽ làm việc gì để kiếm sống khi ruộng cấy lúa không còn mà tiền hỗ trợ thì không đáng tiêu vào đâu? Đề nghị các cấp, các ngành tỉnh Nghệ An khẩn trương vào cuộc, trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân Diễn Kỷ.