Giả mạo cảnh sát để lừa đảo và chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Khi chiêu lừa trúng thưởng không còn hiệu quả, nghi phạm người Đài Loan chuyển sang màn kịch giả cảnh sát đe dọa, lừa chuyển tiền để chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

 Wu Tung I cùng tang vật tại cơ quan điều tra. Nguồn: vnexpress.net
Wu Tung I cùng tang vật tại cơ quan điều tra. Nguồn: vnexpress.net
Ngày 18/3, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Chức vụ (PC46) Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt khẩn cấp Wu Tung I (quốc tịch Đài Loan, ngụ quận 7), Hồ Nhật Khánh (24 tuổi, ngụ Vĩnh Long) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nghi can Võ Ngọc Bích Hiền (sống chung như vợ chồng với Wu Tung I) đang nuôi con nhỏ nên được tại ngoại hầu tra.

Đây là một nhánh của đường dây chuyên gọi điện giả công an để hăm dọa, lừa tiền của hàng loạt nạn nhân xảy ra trong thời gian vừa qua.

Trước đó, ngày 11/3, ông Ngọc (77 tuổi, ngụ quận 10) nhận được điện thoại của một nhóm người lần lượt xưng là cán bộ, lãnh đạo của một cơ quan tố tụng thông tin ông lão có liên quan đến nhóm tội phạm rửa tiền.

Ông Ngọc hoang mang, giải thích rất nhiều với các “cán bộ công an cấp cao". Chúng sau đó đã đề nghị ông này chuyển tiền vào tài khoản bí mật của cảnh sát để điều tra xem tiền "sạch" hay "bẩn". Nếu vô tội, số tiền này sẽ được ngân hàng thanh toán lại. Tin lời, ông Ngọc chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản mà chúng đưa.

Cùng ngày, bà Châu (59 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cũng nhận được điện thoại đến máy bàn. Bằng thủ đoạn tương tự, các cảnh sát dỏm dọạ nạt, yêu cầu bà chuyển 550 triệu đồng vào tài khoản của bọn chúng.

Chờ mãi không thấy tiền được chuyển lại, ông Ngọc và bà Châu mới biết mình bị lừa đành trình báo công an.

Vào cuộc điều tra, cảnh sát xác định thẻ dùng để rút tiền của 2 nạn nhân là do Khánh cung cấp cho vợ chồng Wu Tung I. Cơ quan điều tra đã bắt và khám xét chỗ ở của băng nhóm này.

Khánh khai, tháng 7/2013 hắn được Hiền - người quen cũ tại Vĩnh Long - nhờ tìm người làm thẻ ATM có giao dịch nước ngoài. Dù được nói rõ là các thẻ sẽ giao cho "mấy ông Đài Loan" dùng vào việc lừa đảo, song Khánh vẫn làm theo. Từ tháng 11/2013 đến nay, Khánh đã giao 19 thẻ cho Hiền để nhận tiền công 38 triệu đồng.

Làm việc với cơ quan điều tra, Hiền cho biết sống với Wu Tung I như vợ chồng. Để giúp người tình "làm ăn", cô ta dụ mấy người như Khánh làm thật nhiều thẻ ATM để chồng cung cấp cho một số người Đài Loan, người Việt Nam đang ở nước ngoài. Từ đây, các nhóm người này sẽ gọi điện giả làm cảnh sát lừa các nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản này. "Tôi biết rõ việc lừa đảo nhưng đang cần tiền nên vẫn cung cấp thẻ ATM cho mấy người Đài Loan. Khi rút tiền của các nạn nhân trót lọt, tôi nhận được 3% tiền công", Hiền khai.

Riêng Wu Tung I vào Việt Nam từ đầu năm 2010. Hắn thường liên kết với các nhóm người Việt ở trong và ngoài nước đi lừa đảo bằng nhiều cách. Ban đầu, bọn chúng sử dụng các thiết bị công nghệ cao gọi đến nhiều người thông báo trúng thưởng từ những chương trình khuyến mãi của các trung tâm lớn. Nhiều nạn nhân dù chưa từng mua sắm nhưng vẫn muốn nhận quà và phải trả “một ít chi phí”. Về sau, nhiều người cảnh giác chiêu này nên chúng chuyển sang giả làm công an, cơ quan công quyền gọi điện đến hăm dọa, lừa tiền.

Một lãnh đạo PC46 cho hay, đây là nhóm lừa đảo thứ 4 cơ quan này triệt phá trong tháng qua (chưa tính công an các quận huyện). Qua điều tra, cảnh sát đã bắt gần 20 tên, có khoảng 34 nạn nhân với tổng số tiền bị lừa lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Những tên cầm đầu khai đã tuyển chọn một số người Việt Nam, đưa ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện phương thức lừa đảo. Những người này sẽ được trả lương 8-10 triệu đồng/tháng để cùng băng nhóm tội phạm ở nước ngoài gọi điện về Việt Nam thực hiện những cú điện thoại lừa đảo.

Cũng theo vị cán bộ điều tra này, dù nhà chức trách đã bắt được nhiều nhóm lừa đảo qua điện thoại, song thực tế còn các nhóm khác vẫn sử dụng hình thức này để lừa gạt. Người dân cần đề cao cảnh giác, công an khi làm việc với ai sẽ phải có giấy triệu tập, chứ không bao giờ nói chuyện "điều tra" qua điện thoại.

"Nếu gặp mấy người gọi điện đến với nội dung như trên, tốt nhất là bà con nên báo công an phường, cảnh sát 113. Đối với các cá nhân đã cung cấp, bán thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ ATM cho người khác nên đến ngân hàng để hủy thẻ. Trường hợp cố tình tiếp tay cho băng nhóm lừa đảo sẽ bị xử lý hình sự”, vị cán bộ điều tra khuyến cáo.