Giải đáp về xác định thời điểm hưởng lương hưu

PV.

Bà Trần Huệ Nhi sinh ngày 17/10/1961, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 14 năm 3 tháng. Bà Nhi lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng BHXH, với mức thu nhập là 3.000.000 đồng/tháng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 20/10/2016, bà Nhi đến cơ quan BHXH để nộp đủ số tiền theo phương thức nói trên, nhưng cơ quan BHXH hướng dẫn bà sang tháng 11/2016 mới đủ điều kiện về tuổi đời để nộp tiền hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 1/12/2016.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, bà Nhi thấy rằng, tháng 10/2016 bà đã đủ 55 tuổi, bà được quyền lựa chọn phương thức đóng một lần cho 5 năm 9 tháng còn thiếu, thì thời điểm hưởng lương hưu của bà phải là kể từ ngày 1/11/2016 trở đi. Bà Nhi hỏi, cơ quan BHXH trả lời như vậy có đúng với quy định không?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 134/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định: “Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu”.

Tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-LĐTBXH ngày 18/2/2016 về phương thức đóng quy định: “Riêng đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này còn được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu”.

Đối chiếu quy định nêu trên, thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu đối với bà là tháng 11/2016. Vì vậy, tháng 11/2016 là thời điểm sớm nhất bà có thể đóng một lần cho đủ 20 năm để nghỉ hưu và nếu bà đóng đủ cho thời gian còn thiếu vào tháng 11/2016 thì thời điểm hưởng lương hưu của bà được tính từ tháng 12/2016.