“Giải mã“ ác mộng“ từ giấc mơ xuất ngoại

Theo Phapluat.vn

Mang giấc mộng đổi đời nơi xứ người, nhưng nhiều người lao động đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo để rồi tay trắng trở về với sức tàn, lực kiệt; trong khi đó, hành lang pháp lý về lao động ngoài nước ở Việt Nam có thể nói là tương đối đầy đủ. Vậy đâu là nguyên nhân của nghịch lý này?.

“Giải mã“ ác mộng“ từ giấc mơ xuất ngoại
Ảnh minh họa
Những con số không thể làm ngơ
 
Kết quả công bố từ nghiên cứu “Khảo sát thực trạng và nhu cầu của người lao động (NLĐ) trở về từ nước ngoài” được tiến hành ở địa bàn huyện Phù Cừ (Hưng Yên), huyện Kim Bảng (Hà Nam) và huyện Vũ Thư (Thái Bình) đối với hơn 350 người di cư ra nước ngoài trong ba năm 2009 – 2012 của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) chắc chắn sẽ  khiến cho nhiều người giật mình. Bởi, đó là  tỷ lệ NLĐ bị lừa gạt ít nhất một lần trong quá trình làm việc ở nước ngoài “đứng” ở con số 93,56%.
 
Trong đó, tỷ lệ nữ giới bị lừa gạt ở nước ngoài cao hơn hẳn so với nam giới với con số lần lượt là 97,32% và 91,84%. Hà Nam là địa phương có tỷ lệ cao nhất trên ba địa bàn nghiên cứu với hơn 98% lao động đã từng bị lừa gạt ở nước ngoài.  
 
Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, 55% số lao động trong mẫu nghiên cứu bị bắt làm việc nhiều giờ mà không trả thêm tiền, 46% bị ép làm việc không có trong hợp đồng, không những thế họ thường xuyên phải đối mặt với sự đe dọa bị trả về nước (17,78%), bị đe dọa trừ lương, không trả lương (16,33%) và bị chửi bới (9,73%), thậm chí bị đánh đập (1,77%)….
 
Bị lừa, bị quỵt lương, bị đối xử tàn tệ, tất nhiên hậu họa đến với người lao động sẽ thảm cảnh về kinh tế gia đình khi trở về (13% NLĐ cho rằng tình hình tài chính hiện tại của họ tồi tệ hơn trước khi đi xuất khẩu lao động) và gánh nặng tâm lý ám ảnh từ chuyến đi, nhất là đối với lao động nữ.  
 
Vì sao họ bị lừa?
 
Kết quả khảo sát cho thấy độ tuổi trung bình khi đi xuất khẩu lao động của NLĐ là 34 tuổi. Như vậy, ở độ tuổi này nếu nói rằng người NLĐ bị lừa gạt, dỗ ngọt để bỏ ra một đống tiền ký giấy tờ ra nước ngoài lao lực làm việc không lương hoặc lương thấp là khó tin.
 
Thế nhưng, thông tin cho thấy, 24,14% NLĐ không biết chi phí thực tế của chuyến đi; 23,5% không nhận được thông tin đầy đủ về công việc sẽ làm tại nước đến; 17,24% NLĐ không làm công việc giống như được thông tin trong hợp đồng, khi ký kết hợp đồng thì hợp đồng dài, nội dung khó hiểu (thậm chí hợp đồng bằng tiếng nước ngoài) mà không được giải thích, NLĐ chỉ được ký trước lúc xuất phát hoặc 1-2 ngày trước chuyến đi; 23,9% người được hỏi cho biết được yêu cầu ký tên mà không biết đó là giấy tờ gì…
 
Còn theo quan điểm của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thì hiện nay Việt Nam có trên 500.000 người lao động đang làm việc trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với trên 35 ngành nghề khác nhau và việc đưa NLĐ đi XKLĐ ở nước ngoài có 4 phương thức là: có giấy phép của cơ quan chức năng cho phép đưa NLĐ đi; có công trình đang thực hiện ở nước ngoài; công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con trong nước đưa lao động đi; và cuối cùng là đi theo hợp đồng cá nhân do NLĐ tự thỏa thuận với chủ tuyển dụng ở nước ngoài và đăng ký qua Sở LĐ-TB&XH. 
 
Mỗi người lao động khi đi xuất khẩu đều có ba hợp đồng (một hợp đồng lao động và hai hợp đồng kinh tế). Khi người lao động gặp vấn đề khó khăn, có thể gửi khiếu nại đến Cục Quản lý lao động ngoài nước. Nếu không giải quyết được họ có thể khởi kiện ra Tòa Kinh tế hoặc Tòa Lao động, tùy từng trường hợp. 
 
Chính sách ở xa, mà “cò” thì gần
 
Nếu như vậy thì lỗi nằm ở đâu?. Chẳng lẽ chỉ nằm ở chính những NLĐ khi họ thiếu hiểu biết, thiếu thông tin cộng với mong ước làm giàu đã vội vàng và cả tin sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền vô điều kiện cho những đối tượng “cò” (phần lớn các trường hợp cho thấy NLĐ làm thủ tục đi XKLĐ thông qua “cò” và môi giới tư nhân chứ không làm việc trực tiếp với công ty được phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc) để mau chóng được xuất ngoại? 
 
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi tất cả cho NLĐ bởi phần lớn đối tượng này là nông dân, trình độ hiểu biết hạn chế, điều kiện và khả năng tiếp cận thông tin không nhiều nên rất dễ bị bùi tai trước những viễn cảnh do  đối tượng “cò” vẽ ra. Trong khi đó, các chương trình, dịch vụ hỗ trợ cho người lao động ở các địa phương lại còn rất yếu kém, mức độ tuyên truyền chưa đầy đủ.