Hàng loạt kháng cáo đòi Vietinbank có trách nhiệm vụ Huyền Như

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Cho rằng việc tòa xác định sai tư cách tố tụng của Vietinbank trong vụ án Huyền Như dẫn đến việc ngân hàng này không phải bồi thường hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nguyên đơn, bị hại đã kháng cáo.

 Đến ngày 10/2 mới hết hạn kháng cáo nên có khả năng các bị cáo và đương sự còn lại trong vụ án còn tiếp tục gửi đơn. Nguồn: vnexpress.net
Đến ngày 10/2 mới hết hạn kháng cáo nên có khả năng các bị cáo và đương sự còn lại trong vụ án còn tiếp tục gửi đơn. Nguồn: vnexpress.net

Ngày 8/2, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hồ Chí Minh cho biết có hơn một nửa các nguyên đơn dân sự, bị hại và bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, đã gửi đơn kháng cáo về bản án mà tòa tuyên hôm 27 Tết.

Trong đó, các nguyên đơn dân sự và bị hại trong vụ án đều đề nghị TAND Tối cao xem xét lại phần trách nhiệm dân sự mà án sơ thẩm đã tuyên. Đối với nhóm các bị cáo hầu như đều xin giảm án, riêng Huyền Như, cơ quan xét xử chưa nhận được đơn.

Là đơn vị đầu tiên phản ứng với bản án sơ thẩm, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) kháng cáo toàn bộ nội dung bản án liên quan đến ngân hàng này và tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm trả số tiền hơn 718 tỷ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt. Các nguyên đơn khác gồm Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS), Công ty cổ phần chứng khoán Toàn Cầu, Công ty An Lộc, Ngân hàng Nam Việt (Navibank)... cũng cho rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank và các đơn vị này trong vụ án.

Trước đó, ngày 27/1, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời Huyền Như  phải có trách nhiệm cùng một số bị cáo khác bồi thường số tiền gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. Liên quan đến vụ án, 22 bị cáo còn lại phải chịu mức án từ 1 năm án treo đến 20 năm tù giam.

Tòa nhận định, ngay từ đầu, Như đã có ý thức chiếm đoạt tiền của các đơn vị, cá nhân nên đã làm giả hàng loạt con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và của 7 công ty khác để giả danh nhân viên Ngân hàng Vietinbank thực hiện các hành vi lừa đảo. Các tổ chức cá nhân này đã bị sập bẫy lãi suất cao do Như đưa ra, không thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc quản lý tài sản, khi thực hiện các giao dịch đều thông qua Như mà không tới trụ sở, không gặp người có chức năng để xác minh lại thông tin, tài sản thế chấp mà Như đưa ra. Thậm chí, nhiều đơn vị còn giao hồ sơ có đóng dấu sẵn của đơn vị mình cho Như tự ý thực hiện theo ý của mình... Từ đó, tòa tuyên buộc Như phải có trách nhiệm chính trong việc bồi thường cho các bị hại.

Ngoài ra, Hội đồng Xét xử cũng đề nghị khởi tố, xử lý tiếp 8 cá nhân khác trong việc giúp Như chiếm đoạt 180 tỷ đồng của VIB. Tòa kiến nghị điều tra xử lý hành vi thiếu trách nhiệm của Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng (hai phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) trong việc ký các hợp đồng với ACB; bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Phương Đông trong việc ký 7 lệch chi khống cho Như chiếm đạt tiền của Phương Đông và kiến nghị xử lý thêm một số người cho vay lãi nặng khác.

Tòa cũng yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng sai phạm kéo dài ở Vietinbank; đề nghị điều tra xử lý các lãnh đạo khác của ACB và Navibank trong việc cho nhân viên đứng tên các hợp đồng tiền gửi.