'Hưởng lương hưu có lợi hơn rút bảo hiểm một lần'


Đây là khẳng định của Thứ trưởng LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan tại buổi họp báo của Bộ LĐ-TB&XH vừa qua. Theo bà Lan, hiện có thực tế đáng lo ngại, là thời gian gần đây tỷ lệ người lao động nghỉ việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang có xu hướng gia tăng.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho rằng, việc nhận lương hưu sẽ có lợi hơn hưởng BHXH một lần.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho rằng, việc nhận lương hưu sẽ có lợi hơn hưởng BHXH một lần.
Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, việc người lao động rút BHXH một lần sẽ khiến họ gặp khó khăn trong cuộc sống về sau khi hết tuổi lao động. 
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phân tích, nếu không có lương hưu, người từ 80 tuổi trở lên mới được ngân sách nhà nước trợ cấp 270.000 đồng/tháng. Như vậy, thời gian trong độ tuổi từ 60 tuổi (khi nghỉ hưu) tới 80 tuổi, cuộc sống người lao động sẽ rất khó khăn, khi sức khỏe suy giảm, lương hưu không có. 
“So với nhận BHXH một lần, việc nhận lương hưu sẽ có lợi hơn. Nên mong người lao động cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút BHXH một lần”, bà Lan nói.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2016, số người hưởng BHXH một lần tăng 5,75% so với năm 2015, và có xu hướng tiếp tục tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2014 là hơn 605.000 người, năm 2015 là hơn 629.000 người, năm 2016 là hơn 665.000 người.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tính toán, Quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Cụ thể, với chính sách thu – chi Quỹ BHXH hiện hành, ILO tính toán, tới năm 2021 số thu sẽ bằng chi trong năm. Từ năm 2022, để đảm bảo khả năng chi trả lương hưu sẽ phải dùng tới nguồn kết dư (hiện Quỹ BHXH kết dư hơn 453.400 tỷ đồng). Nhưng tới năm 2034, Quỹ hưu trí sẽ mất khả năng chi trả. 
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện chi lương hưu ngày càng tăng do các năm qua lương hương liên tục được điều chỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2003-2016, đã có 14 lần điều chỉnh tăng lương hưu, mức tăng từ 7,4-9,2 lần.