Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Ông Minh Nguyễn (minhinfo@...) đang làm việc tại 1 Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Do địa điểm Văn phòng đại diện thuê làm trụ sở phải sửa chữa, nên trong thời gian này Văn phòng tạm ngưng hoạt động và mượn tạm địa chỉ khác để lưu hồ sơ và nhận chứng từ, nhưng Văn phòng không thông báo cho cơ quan chức năng ở địa phương biết.

Theo ông Nguyễn tìm hiểu, nếu hành vi này bị phát hiện, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 86 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP với mức từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Có ý kiến thì cho rằng, mức phạt này có thể gấp 2 lần theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định này, do hành vi vi phạm thực hiện bởi tổ chức. Ông Nguyễn hỏi, trường hợp nếu Văn phòng bị xử phạt thì áp dụng theo quy định xử phạt nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:

Ngày 15/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hành vi vi phạm hành chính về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam là một trong các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được điều chỉnh theo Nghị định này.

Đối tượng xử phạt bao gồm cả cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.

Áp dụng hình thức phạt tiền

Theo khoản 2, Điều 4 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định: Hình thức phạt tiền quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt chính và mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Điều 86 của Nghị định này quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Tại điểm a, khoản 2 Điều này quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm như không có địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện, hoặc cho thuê lại trụ sở văn phòng đại diện, hoặc hoạt động không đúng địa chỉ ghi trong giấy phép.

Vấn đề ông Nguyễn hỏi, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu ở Điều 86 Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Căn cứ quy định tại khoản 6, Điều 3 và khoản 1, Điều 6 Luật Thương mại thì, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.

Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

Như vậy Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng đại diện) là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, có thể thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, hoặc thương nhân là cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

Bởi vậy, để áp dụng mức phạt tiền chính xác, người có thẩm quyền xử phạt hành chính cần xác định chính xác Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân là cá nhân, hay Văn phòng đại diện đó là đơn vị phụ thuộc của thương nhân là tổ chức.