Nghi án lấy tiền tại Chứng khoán Đại Việt: Cùng đưa nhau ra công an

Hữu Đạo

Khách hàng tố nhân viên của CTCK Đại Việt (DVSC) chiếm đoạt 900 triệu đồng. Sự việc diễn ra gần 2 tháng, nhưng không được giải quyết.

Nghi án lấy tiền tại Chứng khoán Đại Việt: Cùng đưa nhau ra công an
Theo CTCK Đại Việt, vi phạm xảy ra là lỗi cá nhân của các nhân viên, không phải chủ trương của Công ty. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Các nguyên đơn đã gửi đơn tố cáo ra Cơ quan công an TP. Hà Nội, trong khi bị đơn cũng chuẩn bị làm điều tương tự.

DVSC né trách nhiệm?

Theo tố cáo của bà Lê Thị Uyên và ông Trần Ngọc Cường (Hà Nội), cả hai đều mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại DVSC từ đầu năm nay. Chưa thực hiện bất cứ giao dịch nào thì theo bà Uyên, ngày 26/4 vừa qua, khi đến DVSC làm thủ tục rút 300 triệu đồng, bà phát hiện toàn bộ số tiền này đã biến mất. Bà tìm hiểu thì được biết, toàn bộ số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của ông Đặng Kim Khoa, Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội của DVSC.

Bà Uyên thực sự choáng váng khi phát hiện trên phiếu đề nghị chuyển khoản của DVSC, hoàn toàn không có bất cứ chữ ký hay bút tích gì của chủ tài khoản (là bà), trong khi ông Khoa lại chính là người đề nghị và cũng là người ký duyệt việc chuyển khoản. Điều không bình thường này không hiểu sao lại được các bộ phận liên quan của DVSC coi là hợp lệ và tự quyết thực hiện việc chuyển tiền, mà không có bất cứ yêu cầu hay sự ủy quyền nào từ phía bà Uyên, với tư cách là chủ tài khoản.

Sau khi biết việc của bà Uyên, một nhà đầu tư khác là ông Trần Ngọc Cường vội vã tìm đến DVSC rút 600 triệu đồng, nhưng cũng tá hỏa vì toàn bộ số tiền này không hiểu sao cũng đã được “tự động” chuyển vào tài khoản của ông Khoa. Trong khi đó, ông Cường khẳng định, không yêu cầu hay ủy quyền cho bất kỳ ai làm việc này.

Bà Uyên cho biết, ngay sau khi phát hiện dấu hiệu DVSC chiếm đoạt tiền, cả bà và ông Cường tìm gặp ông Khoa để làm rõ trắng đen, nhưng ông Khoa luôn tìm cách tránh mặt, đồng thời hai số điện thoại của ông hiện đã không thể liên lạc. Không còn cách nào khác, khách hàng đã phải liên hệ với lãnh đạo cao hơn của DVSC để giải quyết vụ việc, nhưng gần hai tháng trôi qua, khách hàng vẫn chưa thể lấy lại được 900 triệu đồng.

“Ngày 6/6 vừa qua, bà Hoàng Thị Tâm, Tổng giám đốc của DVSC hứa sẽ thu xếp trả tiền cho chúng tôi, nhưng đến nay vẫn không có hồi âm gì. Quá sốt ruột với tình trạng liên tục trì hoãn từ phía DVSC, chúng tôi nhiều lần gọi điện cho bà Tâm, nhưng không thể liên lạc được…”, bà Uyên bức xúc.

Khi lý giải việc làm khuất tất của ông Khoa và các cán bộ dưới quyền, là người được Chủ tịch HĐQT của DVSC Hứa Xường ủy quyền giải quyết vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của khách hàng do nhân viên của DVSC gây ra, luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật cho biết, qua kiểm tra thông tin và làm việc với các nhân viên có liên quan (bà Đặng Thị Mai Hương, nhân viên giao dịch; bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, nhân viên kế toán), thì hai nhân viên này nhận được đề nghị của ông Khoa về việc chuyển khoản nội bộ số tiền 299.934.000 đồng từ tài khoản của bà Uyên sang tài khoản của ông Khoa. Ông Khoa cam kết sẽ yêu cầu bà Uyên ký bổ sung vào phiếu đề nghị chuyển khoản sau khi chuyển khoản xong, đồng thời ông Khoa ký tạm vào phiếu này. Bà Hương và bà Mai cho rằng, do ông Khoa và bà Uyên có mối quan hệ thân thiết, nên đồng ý thực hiện lệnh chuyển tiền từ bà Uyên sang ông Khoa. Sau đó, ông Khoa rút tiền ra khỏi tài khoản. Tuy bà Hương và bà Mai đề nghị ông Khoa liên hệ với bà Uyên để bổ sung chữ ký vào phiếu chuyển khoản, nhưng ông Khoa luôn trốn tránh.

“Ông Khoa, bà Hương và bà Mai đã vi phạm nghiêm trọng quy trình làm việc của DVSC. Đây là lỗi cá nhân của các nhân viên này, chứ không phải do sự chỉ đạo hoặc chủ trương của DVSC…”, luật sư Công nói. Luật sư cũng khẳng định, tài sản của khách hàng sẽ được DVSC bảo toàn và hoàn trả lại đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, DVSC cần thêm thời gian để tiếp tục thu thập thông tin, điều tra nội bộ và nhờ cơ quan pháp luật có thẩm quyền điều tra hành vi sai phạm của các nhân viên và những người có liên quan. DVSC đang kiểm tra kỹ quan hệ giữa các nhân viên và khách hàng để làm rõ mối liên quan và trách nhiệm. Nhận định ban đầu của DVSC, đây là sự vi phạm có tính tổ chức, chứ không phải sự bộc phát của một cá nhân.

Chờ xử lý hình sự

Các nguyên đơn không đồng ý với cách hứa hẹn của bên luật sư đứng ra bảo vệ quyền lợi cho DVSC, bởi DVSC không đưa ra cam kết rõ ràng bao giờ sẽ trả lại tiền cho khách hàng, mà chỉ đưa ra lời hứa chung chung và thực tế luôn tìm cách né tránh trách nhiệm. Ngay từ đầu khi xảy ra vụ việc, DVSC luôn vin vào cớ nghi ngờ bà Uyên, ông Cường và ông Khoa có dấu hiệu đồng lõa trong thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép, nhưng không đưa ra bất cứ một bằng chứng nào để chứng minh, nhằm tìm cách trì hoãn việc hoàn trả tiền cho khách hàng.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, cũng như chứng minh sự vô can trong vụ việc bị biến mất 900 triệu đồng xảy ra tại DVSC, bà Uyên cho biết, bà và ông Cường vừa gửi đơn tố cáo ra cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội.

“Nếu chúng tôi đồng lõa với ông Khoa trong việc rút tiền, thì chẳng dại gì tố cáo ra cơ quan công an, bởi làm như vậy chẳng khác nào chúng tôi tự đưa mình đối mặt với án tù…”, bà Uyên chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, nếu DVSC thể hiện thiện chí trả ngay tiền cho khách hàng, thì sẽ rút đơn khiếu nại.

Đại diện cho phía bị đơn, luật sư Công cho biết, quá trình điều tra nội bộ của DVSC vừa kết thúc cho thấy, các nhân viên của DVSC và khách hàng có những dấu hiệu giao dịch bất thường, nên đang hoàn tất hồ sơ để dự kiến trong tuần này Công ty sẽ chuyển tới cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội. Mong muốn của ông Công cũng như DVSC là vụ việc cần sớm được làm sáng tỏ.

Liên quan đến nghi án lấy tiền của khách hàng tại DVSC, được biết, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa vào cuộc, để làm rõ các nội dung tố cáo của nhà đầu tư về những sai phạm xảy ra tại DVSC. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.